Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7/2024, khách hàng của các ngân hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến sẽ bắt buộc xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chip của căn cước công dân (CCCD). Phương thức xác thực này nhằm bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng, tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Quyết định số 2345 quy định các trường hợp cần xác thực bằng sinh trắc học gồm: giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có tổng mức chuyển tiền cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng; lần đầu thực hiện giao dịch bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất...
Chính vì vậy, trong thời gian qua, các ngân hàng và ví điện tử liên tục gửi thông báo tới người dùng thúc giục kích hoạt tính năng xác thực tài khoản. Chỉ với một số bước đơn giản như chụp ảnh CCCD gắn chip từ ứng dụng ngân hàng, đặt con chip của CCCD lại gần điện thoại để quét dữ liệu thông qua công nghệ NFC, chụp ảnh để xác thực khuôn mặt là người dùng đã có thể hoàn thiện việc xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng.
Tuy nhiên, một số người dùng phản hồi về việc gặp khó khăn khi sử dụng tính năng quét NFC để xác thực sinh trắc học.
Theo các chuyên gia công nghệ của Phygital Labs, người dùng chỉ có thể quét chip NFC thành công thông qua smartphone nếu điện thoại có đầu đọc chip NFC. Hiện tại, các điện thoại Android phân khúc tầm trung và cao cấp được sản xuất từ 2018, với hệ điều hành Android 6.0 trở lên đều có trang bị đầu đọc chip NFC.
Trong khi đó, đối với các dòng máy iOS, chỉ có các phiên bản từ iPhone XS (2018) trở đi mới hỗ trợ tính năng này. Những người dùng sở hữu các mẫu điện thoại iOS từ iPhone 6s đến iPhone X sẽ cần tải về phần mềm đọc chip NFC trên App Store.
Người dùng cũng cần kiểm tra xem chế độ đọc chip NFC trên điện thoại đã được kích hoạt hay chưa khi thực hiện quét NFC.
Vị trí đầu đọc NFC trên một số dòng smartphone phổ biến (Nguồn: Phygital Labs)
Bên cạnh đó, do tính đa dạng của các thương hiệu và các dòng điện thoại thuộc hệ điều hành Android, vị trí đầu đọc chip NFC trên các mẫu smartphone Android cũng khác nhau. Người dùng cần đặt đúng vị trí đầu đọc NFC của thiết bị khi chạm vào chip để thực hiện thành công. Thời gian chờ để thiết bị kích hoạt và nhận tín hiệu từ chip trung bình từ 1 - 2 giây.
Đối với các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành iOS, đầu đọc chip NFC của iPhone thườngnằm ở trên phần đầu ở mặt lưng của máy, cạnh vị trí của camera.
Một số chuyên gia nhận định, NFC là chip tĩnh, không dùng pin, không điện, không tự phát tín hiệu, chỉ được "đánh thức" khi được tích điện từ trường. Trong mỗi dòng điện thoại có một vị trí NFC khác nhau, trên CCCD gắn chip, NFC được đặt ẩn dưới khu vực mộc đỏ. Khi quét, người dùng nên cố định hình thẻ trên mặt phẳng, sau đó đưa đúng điện thoại vào vị trí đã xác định, giữ yên, gần, bề mặt chip không bị che để tích đủ từ trường và kết nối.
Theo các chuyên gia của Phygital Labs, người dùng cần đảm bảo vị trí đọc chip của điện thoại song song với thẻ NFC, khoảng cách dưới 3 cm là tối ưu nhất. Người dùng không rung lắc điện thoại trong khi quét chip, tháo ốp lưng sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, người dùng cũng nên lau sạch bề mặt chip để tăng tốc độ quét chip.
Nếu đã thử làm theo hướng dẫn nhưng không thể xác thực thành công, người dùng nên đến quầy giao dịch gần nhất của ngân hàng để được hỗ trợ trực tiếp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!