Xác thực sinh trắc học giúp bảo đảm an toàn giao dịch, ngăn chặn lừa đảo

-Thứ sáu, ngày 28/06/2024 07:26 GMT+7

VTV.vn - Từ 1/7, người dân cần xác thực sinh trắc học liên kết căn cước công dân gắn chíp khi chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng hơn 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ ngày 1/7/2024, khách hàng của các ngân hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến sẽ bắt buộc xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chip của căn cước công dân (CCCD). Phương thức xác thực này nhằm bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng, tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Quyết định số 2345 quy định các trường hợp cần xác thực bằng sinh trắc học gồm: giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có tổng mức chuyển tiền cộng dồn trong ngày trên 20 triệu đồng; lần đầu thực hiện giao dịch bằng ứng dụng Mobile Banking hoặc thực hiện giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị thực hiện giao dịch Mobile Banking lần gần nhất...

Việc xác thực sinh trắc học theo Quyết định số 2345 là tạo ra những lớp bảo mật khác, nói một cách đơn giản, xác thực khuôn mặt phải gắn với tài khoản ngân hàng của chính chủ trong điện thoại và chỉ khuôn mặt được xác thực đó mới chuyển tiền được.

Nhiều người dùng cho biết, họ đã sử dụng khuôn mặt của mình để mở khóa điện thoại, khi đăng nhập tài khoản ngân hàng trên điện thoại cũng đã kích hoạt tính năng mở khóa bằng khuôn mặt (hay còn gọi là Face ID) thay vì gõ lại mật khẩu, thậm chí cho phép dùng khuôn mặt để xác thực khi chuyển tiền. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), điều này là chưa đủ bởi đó chỉ là đăng ký khuôn mặt với chiếc điện thoại, tức là bất cứ ai được cho phép truy cập điện thoại như vợ, chồng, con cái..., đều có quyền vào tài khoản ngân hàng của người dùng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dùng có thể mất tiền khi bị chiếm đoạt quyền trên điện thoại hay nhấn vào các đường dẫn lạ.

Chỉ cần chụp ảnh CCCD gắn chip từ ứng dụng ngân hàng, đặt con chip của CCCD lại gần điện thoại để quét dữ liệu, chụp ảnh để xác thực khuôn mặt là người dân đã có thể hoàn thiện việc xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Điều này giúp người dân tránh bị xâm nhập tài khoản ngân hàng khi nhấn vào đường dẫn lạ hay bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Xác thực sinh trắc học giúp bảo đảm an toàn giao dịch, ngăn chặn lừa đảo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) - cho rằng: "Thông qua sinh trắc học, tội phạm gần như là không thể thực hiện việc giả mạo khách hàng. Mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực, nếu không chính là khách hàng thực hiện thì không chuyển tiền được".

Trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Khi nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, dòng tiền ngay lập tức chạy liên tục giữa các tài khoản ngân hàng, do đó, rất khó truy vết dòng tiền. Khi xác thực sinh trắc họ, dòng tiền lừa đảo sẽ bị chặn lại.

Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an - cho biết: "Nếu anh không phải là người mở tài khoản thì sẽ không thể chuyển được tiền đi, cũng sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính thống. Nhờ vậy, chúng ta cũng ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác dùng để luân chuyển dòng tiền lừa đảo".

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền giúp ngăn chặn dòng tiền khi đã bị chuyển đi khỏi tài khoản. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả danh công an, giả danh cán bộ thuế, tòa án hay nhiều lực lượng chức năng khác và gọi điện, thao túng tâm lý khiến nhiều người làm theo và chuyển tiền. Điều này đồng nghĩa với việc xác thực xong thì vẫn có thể bị lừa đảo và chuyển tiền đi. Do đó, hiện các ngân hàng và Bộ Công an đã có sự liên thông để cảnh báo sớm đến người dân ngay từ khi nhập tài khoản chuyển tiền.

Ông Đỗ Huy Phương - Phó Giám đốc Khối ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội (MB) - cho biết: "Ngân hàng đã liên kết với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), thuộc Bộ Công an, có danh sách các tài khoản lừa đảo, hiển thị rất rõ tài khoản người nhận là tài khoản đang nằm trong diện nghi vấn lừa đảo, được xác thực bởi Bộ Công an và liên tục cập nhật, từ đó dừng lại ngay việc chuyển khoản để tránh những rủi ro phát sinh".

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện và tháo gỡ điểm nghẽn cho Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư; kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; đồng thời đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.

Hiện nay, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua CCCD gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn triển khai Quyết định 2345 gửi các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Do đó, nếu không tự xác thực được trên điện thoại, người dân có thể đến ngân hàng để được hỗ trợ. Những trường hợp bất khả kháng sẽ được nhân viên ngân hàng đến trợ giúp tại nhà. Người dân cần hết sức cẩn trọng với các cuộc gọi đề nghị hỗ trợ từ người lạ vì đó có thể là lừa đảo.

Ngăn chặn lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học Ngăn chặn lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học

VTV.vn - Hoàn thiện việc xác thực sinh trắc học giúp khách hàng tránh bị xâm nhập tài khoản ngân hàng khi click vào đường dẫn lạ, hay bị chiếm quyền điều khiển điện thoại.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước