Cần sớm có cơ chế quản lý Fintech khác với ngân hàng

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 20/08/2019 11:16 GMT+7

Các chuyên gia giải đáp các câu hỏi tại buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech"

VTV.vn - Chính sách quản lý đối với lĩnh vực công nghệ tài chính Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục.

Hôm nay (20/8), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của Báo Vietnamnet đã tổ chức buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech". Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý cũng như đại diện của các cơ quan quản lý hữu quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện các doanh nghiệp Fintech.

Cần sớm có cơ chế quản lý Fintech khác với ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Bá - Phó Tổng biên tập Báo VietNamNet phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục. Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, vì vậy cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng. Do đó, thời gian vừa qua cơ quan quản lý có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực Fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam ngày càng phát triển khi hiện nay có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh, 24 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Cần sớm có cơ chế quản lý Fintech khác với ngân hàng - Ảnh 2.

Ông Ngô Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước

Nhằm hỗ trợ sự phát triển của Fintech, ngày 16/3/2017, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Fintech NHNN với nhiệm vụ hoàn thiện hệ sinh thái Fintech tai Viêt Nam bao gồm việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành và hoạt động của các công ty Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Ông Ngô Văn Đức cũng đề ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách thanh toán không dùng tiền mặt như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (Regulatoiy Sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech, nghiên cứu và xây dựng khuôn khổ quản lý P2P Lending, xây dựng Thông tư về giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) hay sửa đổi quy định về xác thực khách hàng điện tử (E-KYC)…

Ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore cho rằng, việc dự kiến hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech cũng đặc biệt gây quan ngại, do hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các start-up trong lĩnh vực này đều cần có sự đầu tư về công nghệ, thị trường và nhân sự, trong khi đó các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài còn cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thành quả công nghệ mới, đặc biệt trong các lĩnh vực dữ liệu lớn (big data) hay trí tuệ nhân tạo (AI)... vốn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm, giải pháp cho Fintech.

Cần sớm có cơ chế quản lý Fintech khác với ngân hàng - Ảnh 3.

Ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI), cũng lưu ý: "Theo Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EU – VN FTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác. Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy không mong muốn như các vụ kiện đầu tư tại nước ngoài thời gian gần đây".

Bình luận về dự thảo các quy định quản lý Fintech, ông Phùng Anh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi chính sách Fintech, trong đó có việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, sửa đổi Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng, xây dựng đề án thí điểm đối với fintech, mobile money…

Cần sớm có cơ chế quản lý Fintech khác với ngân hàng - Ảnh 4.

Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính (VAFI)

"Fintech là lĩnh vực công nghệ mới, cần có các cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro khác so với các cơ chế truyền thống của hệ thống tài chính ngân hàng. Việc sử dụng cơ chế quản lý ngân hàng vào Fintech sẽ không hiệu quả và kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này. Do đó, cần có giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề kỹ thuật. Việc xây dựng chính sách nên ưu tiên lợi ích số đông, không lấy một vài trường hợp vi phạm để hạn chế nhu cầu của đa số người dùng vì mục đích chính đáng" – đại diện VAFI khẳng định.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã phân tích, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng chính sách cho Fintech. Một mặt, các việc tăng cường quản lý là cần thiết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch tài chính, bảo vệ quyền lợi cho người dùng. Mặt khác, việc xây dựng chính sách cũng không nên vì một số trường hợp cá biệt mà áp đặt những hạn chế, ràng buộc gây bất tiện cho số đông người dùng, làm mất đi ý nghĩa tích cực của fintech đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số và chủ trương phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Một số đề xuất đáng chú ý như sử dụng các cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý để thực hiện xác thực người dùng các dịch vụ Fintech, cũng như cho phép người dùng đăng ký các hạn mức giao dịch "mềm" với đơn vị cung cấp dịch vụ, có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu sử dụng cũng như đánh giá an toàn của mỗi người.

Ban tổ chức hy vọng, buổi tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech" sẽ là tiền đề để cho các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ có những chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy các Fintech phát triển đem lại nhiều thuận tiện cho người dùng cũng như phát triển một xã hội số, nền kinh tế số của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước