Điều đặc biệt trong phiên điều trần này là nó không chỉ đưa các CEO công nghệ lên "ghế nóng" mà còn để lộ sự căng thẳng giữa nghị sĩ của hai phe Cộng hòa và Dân chủ trước thềm bầu cử.
Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã chất vấn các CEO Mark Zuckerberg, Sundar Pichai và Jack Dorsey về việc liệu họ có thành kiến khi kiểm duyệt nội dung cũng như có nên thay đổi Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (CDA) của Mỹ.
CEO Mark Zuckerberg, CEO Sundar Pichai và CEO Jack Dorsey điều trần trực tuyến tại Thượng viện Mỹ
Điều 230 này ra đời năm 1996, được ví như "lá chắn" khi cho phép các mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải và cũng phần nào tạo cơ hội cho các công ty công nghệ Mỹ có khả năng định hình diễn ngôn chính trị. Và tất nhiên, các CEO đã nỗ lực hết sức để bảo vệ điều luật này.
Ông Jack Dorsey - CEO Twitter cho rằng: "Điều 230 là điều luật quan trọng nhất bảo vệ lời nói trên Internet. Và việc xóa bỏ điều 230 sẽ xóa phát ngôn trên Internet".
CEO Sundar Pichai của Alphabet - công ty mẹ của Google - cho biết: "Chúng tôi tiếp cận công việc của mình mà không có thành kiến chính trị. Nếu làm khác sẽ đi ngược lại với cả lợi ích kinh doanh và sứ mệnh của chúng tôi, điều này buộc chúng tôi phải cung cấp thông tin cho mọi người dù họ sống ở đâu hay họ tin vào điều gì".
Trong khi các CEO khác trình bày, CEO Mark Zuckerberg của Facebook gặp khó khăn trong kết nối mạng khiến phiên điều trần phải dừng 5 phút.
"Từ quan điểm của chúng tôi, Điều 230 thực hiện hai điều cơ bản. Đầu tiên, nó khuyến khích tự do biểu đạt, điều này về cơ bản là quan trọng. Nếu không có 230, các nền tảng về cơ bản có thể chịu trách nhiệm về mọi thứ mà mọi người nói. Các nền tảng sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nhiều trong việc gỡ bỏ nhiều nội dung hơn để tránh rủi ro pháp lý" - CEO Facebook nhấn mạnh.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã sử dụng phần lớn thời gian của họ trong phiên điều trần để cáo buộc các công ty kiểm duyệt có chọn lọc những nội dung chống lại phe bảo thủ. Trong khi đó, các nghị sĩ phe Dân chủ lại chủ yếu tập trung vào việc các công ty này đã không hành động đủ để chống lại thông tin sai lệch về bầu cử Mỹ.
Phiên điều trần kéo dài 3 tiếng 48 phút này có cả những sự công kích lẫn nhau của Thượng nghị sĩ hai đảng. Ví dụ như Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của đảng Dân chủ khẳng định, ông đã vận động việc cải cách Điều 230 suốt 15 năm. Tuy nhiên, theo ông, phiên điều trần đang bị các đồng nghiệp đảng Cộng hòa dùng để "bắt nạt các Giám đốc điều hành công nghệ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!