Chưa có một định nghĩa chính thức nào về chiến tranh mạng nhưng khái niệm này thường được hiểu là một hay nhiều cuộc tấn công trên mạng Internet nhằm vào một quốc gia.
Chiến tranh mạng có thể do một quốc gia tiến hành tấn công mạng quốc gia khác. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thủ phạm lại là tổ chức khủng bố hay tư nhân. Các cuộc tấn công mạng tuy không có tiếng súng nhưng vẫn gây tổn thất đáng kể trên diện rộng.
Cùng với sự leo thang của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, một cuộc xung đột khác của các nhóm hacker cũng đang dần nhen nhóm trên thế giới mạng.
Nhiều trang web chính phủ của Ukraine trong những tuần qua đã bị tấn công từ chối dịch vụ. Hệ thống bị cố ý làm quá tải, gây gián đoạn, khiến người dùng không thể truy cập vào các trang đó.
Một hình thức tấn công khác là sử dụng mã độc. Mã độc có khả năng phá hoại hoặc xóa vĩnh viễn dữ liệu trên máy tính bị nhiễm. Phần mềm độc hại được phát hiện ở Ukraine ảnh hưởng đến các nhà thầu chính phủ Ukraine ở Latvia và Litva, do đó, nó có khả năng lan sang cả những nước khác.
Ông Tom Holt - Giám đốc Trường Tư pháp hình sự, Đại học bang Michigan, Mỹ - cho biết: "Một trong những mối lo lớn nhất về chiến tranh mạng là khả năng xảy ra thiệt hại ngoài biên giới vật lý của quốc gia bị nhắm đến. Nếu có phần mềm độc hại hoặc một số kiểu tấn công ảnh hưởng đến hệ thống mạng của một nước như Ukraine, nó có thể vượt ra ngoài biên giới khu vực và ảnh hưởng đến các quốc gia khác do mạng máy tính được kết nối".
Nga cũng là nạn nhân của tấn công mạng khi nhóm tin tặc Anonymous tuyên chiến với nước này bằng cách đánh sập một số trang web của chính phủ Nga như trang web của Điện Kremlin, Duma và Bộ Quốc phòng Nga.
Bên cạnh đó, nhóm hacker này cũng đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào trang web của các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Nga và trang web của kênh truyền hình nhà nước RT.
Chiến tranh trên không gian mạng hiểu theo nghĩa rộng hơn là việc sử dụng thông tin trên mạng để đạt được mục đích quốc gia. Liên quan cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay, phía Nga cáo buộc một cuộc chiến tranh thông tin với nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga đã được phát tán trên mạng.
Trước tình hình này, vào tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật áp dụng án phạt tù, có thể lên tới 15 năm, nếu đăng tải tin tức sai lệch về quân đội Nga. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định trước báo giới "Đạo luật này là cần thiết và khẩn cấp".
Từ những ví dụ thực tế, có thể thấy chiến tranh trong không gian mạng gồm nhiều hình thức đa dạng và có khả năng tổn hại các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như phá hoại hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của một quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!