Nhu cầu tất yếu trong chuyển đổi số
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí đầu vào, đặt ra yêu cầu con người phải làm việc từ xa, xử lý nghiệp vụ, quan hệ khách hàng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị. Công nghệ 4.0 đã chứng minh được khả năng đột phá về hiệu quả, gia tăng khả năng tự động hoá giảm thiểu các công đoạn thủ công.
Để thích ứng, doanh nghiệp phải liên tục tối ưu hoá mô hình kinh doanh để giảm chi phí của quá trình đưa sản phẩm, dịch vụ tới tay khách hàng. Việc chuyển đổi cách tương tác trực tiếp thành các giao dịch trên không gian mạng là nhu cầu tất yếu.
Chính phủ tạo động lực chuyển đổi số quốc gia với việc nhanh chóng triển khai điện tử hoá hành chính công, cơ sở dữ liệu dân cư và căn cước công dân quốc gia.
Theo số liệu được công bố trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngày 8/12/2021, có 6.676 thủ tục hành chính được thực hiện tại cấp Bộ, cơ quan ngang bộ, tại địa phương và tại ngành dọc địa phương. Gần 86 triệu hồ sơ đã được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Với việc triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 và Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 về hóa đơn điện tử, theo tính toán của Tổng cục Thuế, số lượng hóa đơn điện tử có thể đáp ứng lên đến 6,4 tỷ hóa đơn/năm.
Dù mới chỉ được phát triển trên thế giới chưa lâu nhưng chữ ký số từ xa đã nhanh chóng được chứng minh tính hiệu quả, bảo mật trên các giao dịch điện tử, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ký số từ xa và những cơ hội
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay, quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Quyết định số 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã cụ thể các mục tiêu chuyển đổi số, trong đó lấy người dân là trung tâm.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: TTXVN)
"Chính phủ khuyến khích người dân số hóa mọi hoạt động cá nhân, tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, vướng mắc lớn nhất trong quá trình số hóa là đa phần người dân chưa có chữ ký số cá nhân. Do đó, việc phát triển chữ ký số từ xa cho cá nhân sẽ góp phần gỡ bỏ nút thắt quan trọng cuối cùng trong việc số hóa nền kinh tế" - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng, từ trước đến nay, nhiều người vẫn có suy nghĩ cái gì tiện thì không an toàn, cái gì an toàn thì không tiện. Với chữ ký số cá nhân, chúng ta đang hướng tới việc vừa tiện vừa an toàn. Điều đó được đảm bảo bằng các giải pháp công nghệ cao, bao gồm chữ ký số từ xa.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, để được cấp phép cung cấp dịch vụ ký số từ xa, tất cả các doanh nghiệp đều phải trải qua những khâu thẩm định nghiêm ngặt từ cơ quan chức năng nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ.
"Khác với giải pháp ký số thông thường sử dụng USB Token, khóa bí mật của chữ ký số từ xa được lưu trữ tại trung tâm của nhà cung cấp. Tuy nhiên, việc kích hoạt khóa này lại trải qua những khâu rất chặt chẽ. Ngay cả tổ chức cung cấp dịch vụ ký số từ xa cũng không thể kích hoạt hộ hay ký hộ khách hàng được" - ông Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ.
Chia sẻ về một trong những giải pháp ký số từ xa đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam, ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT), Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam VNPT - cho biết: "Với giải pháp ký số từ xa SmartCA, khách hàng không còn bị phụ thuộc vào thiết bị vật lý như USB Token hay SmartCard (SIM) nhưng vẫn có thể yên tâm vì mức độ an toàn rất cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu (eIDAS). Chỉ với khoảng 3 phút cài đặt App, khách hàng có thể ký trên đa nền tảng như máy tính, smartphone, máy tính bảng... mọi lúc, mọi nơi, miễn là có kết nối Internet, với tốc độ ký nhanh gấp nhiều lần so với các giải pháp ký số thông thường".
Ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng Giám đốc VNPT-IT phát biểu tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021
Để đăng ký dịch vụ, người dùng chỉ cần yêu cầu cung cấp dịch vụ tại quầy, đại lý hoặc thông qua kênh online hay kênh tổng đài chăm sóc khách hàng. Hệ thống sẽ gửi biên bản bàn giao để khách hàng ký số nghiệm thu qua App và sử dụng dịch vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!