Tại Hàn Quốc, rác thải thực phẩm không còn là đồ bỏ đi, thay vào đó, chúng được tái chế để tạo ra năng lượng xanh, phân bón và làm thức ăn cho gia súc.
Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ tái chế rác thải cao nhất trên thế giới, lên tới 69%. Người dân có thể bị phạt tới 100.000 Won, khoảng 1,9 triệu đồng, nếu vứt rác bừa bãi. Tại quốc gia này, người dân phải phân loại rác trước khi vứt và số rác này sẽ được đưa tới các trung tâm tái chế.
Trung tâm Năng lượng sinh học Daejeon là một trong khoảng 300 cơ sở tại Hàn Quốc được cấp phép tái chế khoảng 15.000 tấn rác thải thực phẩm hàng ngày thành phân bón, thức ăn cho gia súc hoặc sản xuất thành khí sinh học - một loại năng lượng tái tạo.
Nếu không có sự can thiệp của những cơ sở tái chế như vậy, phần lớn phế phẩm sinh hoạt sẽ được chôn xuống đất, là nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm đất và tạo ra khí metan - một loại khí nhà kính nguy hiểm hơn nhiều so với carbon dioxide.
Hiện nay, hơn 50 triệu người dân xứ sở kim chi xem việc tái chế rác thải thực phẩm "là một phần tất yếu của cuộc sống hàng ngày".
Nhiều tòa chung cư cao tầng ở thủ đô đô Seoul được trang bị thùng rác điện tử có chức năng nhận biết và phân loại rác thải thực phẩm. Cư dân thành phố theo dõi lượng chất thải sinh hoạt hàng tháng thông qua ứng dụng kỹ thuật số, từ đó tính được mức phí phải đóng hàng tháng tùy theo lượng rác thải thực tế của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!