Cuộc chạy đua vào không gian đầu tiên bắt đầu vào những năm 1950 đã mở đường cho việc khám phá không gian hiện đại. Công nghệ tiên tiến đã cho phép con người du hành xa hơn vào không gian và khám phá những giới hạn mới.
Hiện tại, tàu Voyager 1 của NASA được coi là vật thể nhân tạo ở xa nhất trong không gian, đang hoạt động cách Trái đất 24 tỷ km.
Nếu như cuộc đua chinh phục không gian trước đây là sự thống lĩnh của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô thì hiện nay, cuộc đua này đã có sự tham gia của nhiều bên. Trong đó, mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, đang dần trở thành "vùng đất mới" để cạnh tranh giữa các quốc gia.
Mặt trăng - tâm điểm của cuộc đua chinh phục không gian
Cuộc đua chinh phục mặt trăng
Đầu tháng 6 này, tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống vùng tối của mặt trăng. Đây là một bước tiến lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại sẽ thu thập mẫu vật từ địa hình hiếm khi được khám phá này, đồng thời cũng là nơi con người chưa từng đặt chân đến. Tầm nhìn của Trung Quốc là đưa phi hành đoàn đến mặt trăng năm 2030 và xây dựng căn cứ tại đó.
Mô phỏng tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc (Ảnh: THX)
Ông Sylvestre Maurice từ Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn và Hành tinh học, Pháp cho rằng: "Thật khó để hạ cánh xuống một vị trí như thế trên mặt trăng. Họ đã hạ cánh đúng nơi họ muốn. Và hãy nhớ rằng, nó ở phía bên kia của mặt trăng. Đó không phải là mặt trăng mà chúng ta có thể nhìn thấy. Đó thực sự là một thành tựu, điều mà chúng ta đã tìm kiếm trong nhiều năm".
Liên tiếp những nỗ lực chinh phục mặt trăng được đẩy nhanh trong thời gian qua. Tháng 1 năm nay, Nhật Bản đã trở thành quốc gia thứ năm, sau Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, đổ bộ lên bề mặt mặt trăng, với kỹ thuật hạ cánh mềm chính xác.
Ông Shinichiro Sakai - Giám đốc Dự án tàu thăm dò mặt trăng của Nhật Bản - cho biết: "Tôi tin rằng, chúng tôi đã đạt được điều mà trước đây chưa ai có thể làm được. Những cánh cửa mới sẽ mở ra và chúng tôi sẽ có thể thực hiện những sứ mệnh mà trước đây chúng tôi chưa thể thực hiện được và tôi nghĩ đó là điểm quan trọng nhất".
Một cuộc đua mới tới mặt trăng đã bắt đầu với các sứ mệnh có người lái và không người lái. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA hy vọng sẽ khởi động sứ mệnh đưa robot tự hành lên mặt trăng, từ đó mở đường cho việc đưa con người trở lại vệ tinh này vào năm 2026.
Mặt trăng đang là tâm điểm của cuộc đua chinh phục không gian (Ảnh: NASA)
Phi hành gia Victor Glover cho biết: "Chúng tôi ra ngoài đó và khám phá để tìm hiểu xem chúng ta đang ở đâu, tại sao chúng ta tồn tại, hiểu được những câu hỏi lớn về vị trí của chúng ta trong vũ trụ. Cuộc thám hiểm mà chúng tôi đang thực hiện là những bước đầu tiên trên con đường đưa con người lên sao Hỏa".
Nga hiện đang phát triển một số sứ mệnh mặt trăng, bao gồm cả những sứ mệnh có phi hành đoàn và không có phi hành đoàn. Nước này dự định đưa người lên mặt trăng vào năm 2030. Còn Ấn Độ sau khi hạ cánh thành công lên bề mặt mặt trăng vào tháng 8 năm ngoái cũng đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên đó vào năm 2030.
Không chỉ là các cường quốc, tiến bộ công nghệ đã làm giảm chi phí của các nhiệm vụ không gian, mở đường cho những người chơi mới trong khu vực công và tư nhân khoảng vài năm gần đây như SpaceX, Blue Origin hay Virgin Galactic. Cuộc đua lên mặt trăng là một trong những khát vọng lớn lao của nhân loại và là một cuộc đua ngốn nhiều tiền của.
Cơ hội mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trước cuộc đua lên mặt trăng sôi động như vậy, trong tuần này, lần đầu tiên Liên hợp quốc tổ chức hội nghị về các hoạt động khám phá mặt trăng bền vững.
Rõ ràng là cuộc đua này vừa mang lại những cơ hội mới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không được triển khai một cách bền vững.
Theo phóng viên Lê Tuyển từ New York, hội nghị đã đạt được những kết quả nhất định. Dù đây là lần đầu nhưng các nước có liên quan đã có sự chuẩn bị kỹ.
Người đứng đầu các cơ quan vũ trụ, các phi hành gia, các học giả và đại diện ngành công nghiệp này đã tham gia thảo luận các cách tiếp cận, ưu tiên và kỳ vọng về hoạt động khám phá mặt trăng một cách hoà bình, bền vững và hợp tác.
Đặc biệt, hội nghị đã chứng kiến các nước ký kết tham gia Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế do Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) khởi xướng hay tham gia hiệp định mang tên Artemis do NASA của Mỹ dẫn đầu.
Các bên cũng đưa ra các sáng kiến khác nhau giải quyết các khía cạnh của hoạt động trên mặt trăng, trong đó bao gồm Nhóm công tác về các khía cạnh pháp lý của tài nguyên không gian hay thành lập Nhóm hành động về tư vấn hoạt động mặt trăng (có tên là ATLAC).
Kể từ kỷ nguyên vũ trụ những năm 1950, tới giờ đã có tới 77 sứ mệnh mặt trăng thành công. Con số này dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong vài năm tới. Trong bối cảnh đó, thông điệp mà hội nghị muốn gửi đi là cần xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong việc sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình, duy trì nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước ngoài không gian, đảm bảo lợi ích của tất cả các nước.
Tiềm năng và thách thức của kinh tế vũ trụ
Chinh phục vũ trụ từ lâu đã là mơ ước của con người. Cùng với quá trình chinh phục vũ trụ, việc khai thác, ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế cũng đã xuất hiện và ngày càng mở rộng, biến đổi sâu sắc.
Tiến vào vũ trụ, phát triển kinh tế vũ trụ sẽ giúp con người khám phá các tiềm năng và cơ hội mới, song bên cạnh đó cũng có không ít thách thức.
Trong chuyến bay thương mại đầu tiên đưa con người khám phá không gian quỹ đạo thấp của Virgin Galactic, ông Jon Goodwin - phi hành gia, nhà thám hiểm không gian - chia sẻ: "Đó là một trải nghiệm hoàn toàn siêu thực. Điều ấn tượng nhất là nhìn Trái đất từ không gian. Không nghi ngờ gì nữa, đây là ngày thú vị nhất trong cuộc đời tôi".
Chuyến bay của Virgin Galactic đã tiếp tục chứng tỏ sự lớn mạnh của ngành kinh tế vũ trụ, trong đó có du lịch vũ trụ.
Virgin Galactic cung cấp dịch vụ trải nghiệm khám phá không gian quỹ đạo thấp (Ảnh: Virgin Galactic)
Bà Angela Hart - Quản lý chương trình Quỹ đạo trái đất tầm thấp cho thương mại của NASA - cho biết: "Đây là một điểm đến du lịch đúng nghĩa. Chúng tôi muốn mọi người thực sự sống và làm việc trong không gian".
Dự báo nền kinh tế vũ trụ sẽ đạt mức 634 tỷ USD vào năm 2026. Quy mô ngành công nghiệp vũ trụ dự báo ước đạt 1.400 tỷ USD vào năm 2030.
Hiện có khoảng 90 quốc gia đang thúc đẩy phát triển chương trình không gian vũ trụ và hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân tham gia ngành công nghiệp vũ trụ. Trong đó có những cái tên lớn như SpaceX, Amazon, Facebook…với hàng loạt dự án.
Công nghiệp vũ trụ có tiềm năng hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng trong một số ngành, nghề như nông nghiệp thông minh, dự báo thời tiết, dược phẩm.
Bà Namrata Goswami - nhà nghiên cứu chính sách không gian độc lập - cho rằng: "Ngành thực sự đóng góp vào nền kinh tế vũ trụ như chúng ta đã đề cập là ngành truyền thông, ngành viễn thông và cả chòm sao mới (DW)".
Tuy nhiên, nền kinh tế vũ trụ cũng đối mặt các thách thức. Nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang quân sự trong không gian vũ trụ là hiện hữu, đe dọa sự ổn định chiến lược toàn cầu, thậm chí có thể xảy ra kịch bản chiến tranh không gian vũ trụ.
"Quỹ đạo Trái đất thấp đang trở nên rất quan trọng đối với việc bố trí vệ tinh nhưng thực tế là ai đến trước được phục vụ trước" - bà Namrata Goswami cho biết.
Những nguy cơ khác là các va chạm trong vũ trụ, tính bền vững của các cấu trúc vật lý cho đến nguy cơ về rác thải vũ trụ.
NASA đang chính thức theo dõi hơn 26.000 mảnh vụn quỹ đạo, hay còn gọi là "rác thải vũ trụ, trong đó có 4.000 vệ tinh hết hạn.
Ông Jens Kauffmann từ Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu cho rằng: "Để tránh va chạm giữa các vệ tinh và các mảnh vỡ gây thêm thiệt hại cho các vệ tinh thương mại cũng như vệ tinh của tổ chức. Điều quan trọng nhất là phải thực hiện cái mà chúng ta gọi là quản lý giao thông không gian".
Hệ thống pháp luật giúp quản lý việc khai thác và phát triển kinh tế vũ trụ cũng là một thách thức khi chưa được hoàn thiện và thế giới cũng chưa đưa ra được những chuẩn mực phù hợp với thực tế phát triển trong không gian vũ trụ.
Việc làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ sẽ mang lại những hiểu biết có giá trị về nguồn gốc của vũ trụ, tiềm năng của sự sống ngoài Trái đất và sự phát triển của các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, cuộc đua vũ trụ cũng có thể khiến mối quan hệ giữa các quốc gia trở nên căng thẳng. Hậu quả khôn lường sẽ xảy ra nếu các quốc gia và thực thể tư nhân vượt qua "lằn ranh đỏ" về thăm dò và thương mại hóa.
Tuy giới phân tích đánh giá hiện chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh không gian, song điều quan trọng là chính phủ các nước phải hợp tác chặt chẽ để thiết lập những chuẩn mực quốc tế, khuôn khổ pháp lý và thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo không gian vẫn là một miền hòa bình và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!