Khi tắt điện thoại, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những người bên cạnh.
Rất nhiều người trong chúng ta dành hàng giờ mỗi ngày dán mắt vào màn hình điện thoại, mong chờ thêm vài "like" cho bài "post" mới đăng hay hòm thư có thêm vài email mới. Chúng ta dường như ngày càng tin rằng chỉ cần "online" cũng có thể quản lý được mọi việc.
Những ứng dụng mạng xã hội như Whatsapp, Snapchat, Instagram, Facebook và Twitter có thể được coi như công cụ giúp kết nối mọi người với nhau hơn. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào công nghệ để "nhìn" thế giới xung quanh có thể trở thành một gánh nặng.
Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy khoảng 1/4 những người trưởng thành ở Mỹ thừa nhận rằng họ "online" gần như không ngừng nghỉ. Stress, trầm cảm hay lo lắng là những hậu quả dễ nhận thấy của việc sử dụng những ứng dụng xã hội này.
Một cuộc nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 50 người. Không một ai trong số những người tham gia sử dụng mạng xã hội hay sở hữu một chiếc di động và hầu hết mọi người thậm chí không sử dụng email.
Dưới đây là chia sẻ của những người tham dự về những điều họ học được từ cuộc sống không có mạng xã hội:
1. Dành thời gian với mọi người
Mạng xã hội được sử dụng không chỉ để giao tiếp. Chúng đồng thời phát triển một cách thức đặc biệt để kết nối và hỗ trợ mọi người xung quanh. Những tương tác thông qua mạng xã hội đều được chuyển hoá và lưu trữ thành dữ liệu. Hiển nhiên, tệp dữ liệu khổng lồ này hấp dẫn mọi nhà nghiên cứu.
Những người tham gia nghiên cứu đã chia sẻ một niềm tin vững chắc về một cách thức giao tiếp xã hội hoàn toàn khác. Họ tập trung vào cảm xúc, biểu cảm gương mặt, nói chuyện trực diện hay cùng có mặt tại một địa điểm. Với họ, những điều này giúp duy trì cảm giác gắn kết con người.
Ngày nay, nhiều người khao khát cảm giác luôn "online" bởi họ có thể trốn khỏi những áp lực đời thường. Điều này thậm chí giúp họ cảm thấy "cân bằng" hơn trong cuộc sống.
Trái lại, những người tham gia nghiên cứu đánh giá việc hiểu rõ cũng như chia sẻ cảm xúc với mọi người rất đáng quý. Thay vì sử dụng điện thoại thông minh hay mạng xã hội, họ dành thời gian thực tế với mọi người. Việc này khiến họ cảm thấy thư giãn và hiểu rõ hơn mục đích trong cuộc sống. Họ cho rằng điều này, xét rộng hơn, cũng sẽ mang lại giá trị với xã hội.
2. Tắt điện thoại không có nghĩa là bạn mất đi thứ gì
Những người tham gia nghiên cứu đã hỏi rằng vậy nghĩa chính xác của cụm từ "xã hội" trong truyền thông xã hội là gì? Điều gì thay thế cho sự giao tiếp và liệu có phải quan hệ xã hội được đo lường trên các nền tảng online, bất kể đó là quan hệ tình bạn, quan hệ hỗ trợ hay những liên kết thông thường?
Thay vì có hàng trăm "bạn bè", họ sẽ luôn chọn gặp mặt trực tiếp mọi người và nuôi dưỡng những mối quan hệ thực sự, với những người bạn sẽ sẵn sàng bên họ khi khó khăn. Chọn việc tắt máy, ban đầu có thể khiến bạn lo lắng nhưng đó là cơ hội để nhận ra rằng tắt máy đi không đồng nghĩa với việc bỏ lỡ điều gì. Khi bạn tắt máy, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những người bên cạnh bạn.
Giây phút tắt máy và đặt điện thoại xuống, bạn sẽ nhận thấy mình đã từng mệt mỏi như thế nào khi phải cố gắng "online" hàng giờ. Bạn cũng sẽ nhìn ra sự giả tạo của những cuộc hội thoại tầm phào không dứt trên mạng xã hội.
Những người chọn "không online" không hề cảm thấy buồn hay có cảm giác ở ngoài cuộc. Rời mắt khỏi màn hình, họ được tự do kết nối thực sự với thế giới và những người họ yêu quý.
3. Tồn tại hơn là làm việc
Rất nhiều người, sau khi giải thoát mình khỏi màn hình điện thoại đã khám phá và yêu thích những vẻ đẹp sống động chân thực. Được kết nối với những điều thực sự đặc biệt quan trọng giúp chúng ta thư giãn và nhờ đó, chúng ta có thêm năng lượng sẵn sàng cho những thử thách mới.
Thời gian "online", lướt mạng có thể thỏa mãn cảm xúc và nhu cầu tức thời của con người nhưng vẫn là một khoảng cách khá xa để trở thành một phương pháp thư giãn thực thụ. Bạn sẽ khó có một giấc ngủ thoải mái nếu bạn mang theo một chiếc điện thoại thông minh lên giường hoặc cố lướt mạng để ngủ.
Ngày nay, mọi người ngày càng quan tâm hơn đến sự thư giãn về tâm hồn và não bộ. Họ sử dụng công nghệ để chia sẻ các ý tưởng của mình. Ví dụ, trên Instagram, những nhân vật nổi tiếng thường khoe kỹ năng yoga điêu luyện hoặc ủng hộ những phương pháp rèn luyện tinh thần. Máy đo thể dục, thông tin về sức khoẻ và những ứng dụng yoga luôn được nằm trong top những ứng dụng điện thoại được tải nhiều nhất.
Những người từ chối mạng xã hội kêu gọi mọi người hãy nhận thức rõ hơn về việc sử dụng những ứng dụng trên và hãy bắt đầu tập cách ly với chiếc điện thoại. Bởi nếu sự thư giãn về tâm hồn và não bộ, nói cách khác là dòng suy nghĩ, cảm xúc hay cảm nhận, thực sự là điều mọi người hướng tới, vậy màn hình điện thoại có tác dụng gì?
Việc kết nối với mọi người trên mạng xã hội, trái lại, khiến thời gian rảnh của chúng ta bị thu hẹp. Mọi người sẽ dễ bị phân tán, do đó, chỉ có ít thời gian đáng quý dành cho riêng mình, suy nghĩ về bản thân một cách sâu sắc hơn.
Tắt màn hình không đồng nghĩa với việc không hoà nhập. Mọi người chọn không sử dụng mạng xã hội để chịu trách nhiệm về thời gian và địa điểm họ kết nối với mọi người. Họ có thể là một phần trong nhóm tiên phong, dẫn đầu xu hướng về những cách sống hạnh phúc hơn, thư giãn hơn và hiển nhiên, xã hội hơn.
10 năm nữa khi nhìn lại, chúng ta có thể sẽ nhìn nhận sự xuất hiện của truyền thông xã hội như một phần trưởng thành của loài người. Đó là một giai đoạn tạo nên sự phân chia, lo lắng trong xã hội, thậm chí có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và phát triển của con người. Đến lúc đó, có lẽ điều tốt nhất là đặt những chiếc điện thoại xuống hoặc ít nhất là tắt chúng thường xuyên hơn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!