Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người sở hữu tài sản số, với khoảng 20 triệu người sở hữu và mỗi năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam. Trong bối cảnh loại tài sản này đang có tốc độ phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc quản lý tài sản số trở thành yêu cầu cấp thiết.
Tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nội dung dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, có nội dung quan trọng về vấn đề này. Theo dự thảo, việc phân loại nội dung quản lý và cung ứng dịch vụ liên quan đến tài sản số sẽ được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia thường xuyên điều chỉnh và thay đổi luật liên quan đến các nội dung này, do đó các cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp cận theo nguyên tắc trong luật chỉ quy định những nguyên tắc chung, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo sự linh hoạt.
"Hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã có một điều khoản liên quan đến tài sản số. Tuy nhiên, nội dung này mới chỉ dừng lại ở việc định nghĩa sơ bộ về tài sản số và giao cho Bộ Tài chính hoặc các cơ quan chức năng liên quan xây dựng và ban hành khung pháp lý và các văn bản quy định chi tiết. Theo tôi, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số hiện nay chưa bao quát hết mọi lĩnh vực liên quan đến tài sản số. Tuy nhiên, việc đưa tài sản số vào nội dung của luật cũng đã là một bước tiến đáng kể so với trước đây", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam đánh giá.
Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam chia sẻ về các nội dung liên quan đến quản lý tài sản số tại Việt Nam hiện nay
Theo ông Tuấn, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ một số quốc gia như ở Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) được giao nhiệm vụ đề xuất và xây dựng các khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Tương tự, UAE cũng thành lập một cơ quan riêng để quản lý tài sản số. Việt Nam có thể thành lập một ủy ban chuyên trách, tương tự như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hoặc giao trực tiếp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giống như SEC ở Mỹ, với chức năng bổ sung về quản lý tài sản số.
Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến tài sản số, bao gồm: quy định quản lý các sàn giao dịch tài sản số, các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về bảo mật, quy định bảo vệ nhà đầu tư và đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch. Ở Nhật Bản và Mỹ, các sàn giao dịch tài sản số phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và được cấp phép hoạt động. Thông qua việc quản lý chặt chẽ các sàn giao dịch để có thể kiểm soát tốt hơn các giao dịch tài sản số và tiền mã hóa.
"Việc thành lập một ủy ban chuyên trách sẽ hiệu quả hơn so với việc giao nhiệm vụ chung chung cho Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước. Một cơ quan chuyên trách sẽ đảm bảo tính hiệu quả và chuyên sâu trong việc quản lý và điều tiết lĩnh vực tài sản số", ông Tuấn nhận định.
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có một chương quy định về tài sản số, tài sản mã hóa. Dự thảo quy định nhiều nguyên tắc để xác định tài sản số, bao gồm: Thể hiện dưới dạng dữ liệu số; xác định quyền sở hữu và thực hiện giao dịch, chuyển giao thông qua phương tiện điện tử; có giá trị kinh tế và tồn tại độc lập, không gắn liền với tài sản vật chất; đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật, xác thực về tính hợp pháp và nguồn gốc; bảo đảm tính minh bạch thông tin.
Ông Tuấn cho rằng, các nội dung về quản lý tài sản số được đưa vào dự thảo Luật mới chỉ là bước khởi đầu trong việc quản lý tài sản số, tiền mã hóa. Dự thảo đã đưa ra những yêu cầu cần đạt được, nhưng để triển khai hiệu quả, cần có các quy định chi tiết hơn. Cụ thể, cần có khung pháp lý rõ ràng để các giao dịch tài sản số được thực thi trên thực tế, bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật đảm bảo các giao dịch thành công; Quy định về đăng ký, xác thực và quản lý giao dịch; Xây dựng môi trường pháp lý để hình thành các sàn giao dịch tài sản số và tiền mã hóa.
"Hiện nay, trên thế giới đã có hàng chục ngàn loại tài sản số và tiền mã hóa tồn tại trên các sàn giao dịch. Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một khung pháp lý đủ linh hoạt để quản lý hiệu quả không chỉ các tài sản hiện tại mà cả các loại tài sản mới trong tương lai. Nếu các tài sản số tiếp tục dựa trên những công nghệ như Blockchain, mặc dù có sự khác biệt giữa các loại tài sản, chúng vẫn tuân theo các nguyên tắc và nền tảng cốt lõi. Do đó, ngay tại thời điểm này, Việt Nam có thể xây dựng các quy định mang tính bền vững, có khả năng áp dụng trong một thời gian dài, chứ không chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt", ông Tuấn nhấn mạnh.
Dự thảo luật đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các loại tài sản số và tài sản mã hóa, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và xử lý các rủi ro liên quan đến tài sản số
Cũng theo ông Tuấn, pháp luật thường có khoảng cách nhất định so với thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng. Công nghệ mới liên tục tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và tài sản mới, đòi hỏi thời gian nghiên cứu để đánh giá tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực, trước khi hình thành các quy định phù hợp. Thách thức lớn nhất với cơ quan quản lý là làm sao để rút ngắn khoảng cách này.
Để phát triển kinh tế số, việc quản lý hiệu quả tài sản số là điều kiện tiên quyết, đặc biệt khi sự quản lý này có thể thúc đẩy việc dịch chuyển dòng vốn từ nền kinh tế số chưa chính thống sang khu vực kinh tế chính thức. Nhiều bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng luật trong thời gian gần đây cho thấy, luật pháp cần được thiết kế sát với thực tiễn và triển khai một cách quyết liệt, đặc biệt về tiến độ, để đạt được hiệu quả như mong đợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!