Xây dựng khung khổ pháp lý cho tài sản số

Kate Trần-Thứ năm, ngày 22/08/2024 15:26 GMT+7

VTV.vn-Trước thông tin, tài sản số được quy định tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghiệp số, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có khung khổ pháp lý cho loại tài sản này.

Khung khổ pháp lý "mong manh" nên tuột tay nhiều cơ hội

Báo cáo từ Boston Consulting Group nhận định, tổng giá trị tài sản số đến năm 2030 dự kiến lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu.

Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông Trần Trí Hiếu (TP. Hồ Chí Minh) - người đang sở hữu số lượng khá lớn đồng tiền số Bitcoin, Ethereum cho biết, trong nhiều năm qua, giao dịch tài sản số diễn ra sôi động thông qua các sàn quốc tế hoặc dưới hình thức thỏa thuận trực tiếp mặc dù loại tài sản này chưa được pháp luật Việt Nam công nhận.

Theo thống kê, cho đến hiện nay, số liệu thống kê mới đây của Crypto Crunch App, nước ta đứng thứ ba thế giới về giao dịch tiền số với gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo. Tổng giá trị giao dịch của người dùng Việt Nam chỉ riêng trên một sàn tài sản ảo top đầu đã vào khoảng 20 tỷ USD/tháng. Thị trường giao dịch OTC (mua bán trực tiếp) tài sản ảo ở Việt Nam mỗi ngày có quy mô không dưới 100 triệu USD. 

Chia sẻ với báo giới về vấn đề câu chuyện tiền số, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung cho hay, có nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam, điển hình theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia nhỏ, sát với chúng ta là Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và 3.

Tuy nhiên, ông Hiếu nhấn mạnh, "chính vì "chất" và "lượng" giao dịch ngày càng tăng trưởng mạnh như vậy, trong khi chưa có quy định về pháp lý nên có rất nhiều rủi ro và hành vì lừa đảo đối với các nhà đầu tư", Đồng thời cho biết thêm, "tuy vậy nhưng nhà đầu tư vẫn lao vào vì tính hấp dẫn khó chối từ vì có nhiều có nhiều cơ hội kiếm tiền".

Cũng là người sở hữu nhiều tài sản số trong nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Hà (Cầu Giấy) chia sẻ với phóng viên VTV Times, trong khi có rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực ban hành quy định pháp luật luật để lĩnh vực tiền số phát triển thì ở Việt Nam lại chưa có. "Đây là bất cập cần khắc phục để nước ta có thể hòa nhập tốt hơn vào nền kinh tế số trên thế giới", bà Hà đề nghị.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ số SSI (SSI Digital), khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền số ở Việt Nam vẫn còn rất "mong manh". Tiền số đã rất phát triển trên thế giới nhưng Việt Nam lại chưa "theo kịp" vì chưa có quy định về pháp lý để quản lý và tạo điều kiện cho thị trường này phát triển đúng hướng, lành mạnh, đóng góp cho nền kinh tế cũng như ngân sách nhà nước.

Trên thực tế, sự chậm chễ này đã gây hệ quả nhất định. Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, vì chưa có khung khổ pháp lý chính thức nên thời gian vừa qua, có những hoạt động đầu tư kinh doanh buộc phải rời bỏ Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn Sky Mavis - một tập đoàn kỳ lân công nghệ của Việt Nam có hệ sinh thái game, là doanh nghiệp thuần Việt Nam nhưng họn Singapore làm nơi đóng trụ sở. Lý do vì Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số.

Chậm "chân" là mất cơ hội

Nhiều chuyên kinh tế nhận định, chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ và chính sách mấy năm qua của Chính phủ cũng ưu tiên chuyển đổi số, thu hút đầu tư về công nghệ số. Thế nên, chẳng có lý do gì lại không ban hành đầy đủ các khung khổ pháp lý cho môi trường và hệ sinh thái số, trong đó có tài sản số. "Nếu không nhan chóng xây dựng và hoàn thiện các quy định về môi trường kinh tế số, thông qua đó bảo đảm khuyến khích các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ phát triển để đóng góp vào nền kinh tế thì Việt Nam sẽ để mất nhiều cơ hội", Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định. 

Nói riêng về tiền số, ông Hiếu cho rằng, khi tiền số, tiền ảo được kiểm soát chặt chẽ và minh bạch  thì chúng ta có thể vừa hưởng lợi về thuế, tăng cường tài chính quốc gia, tăng nguồn thu ngân sách, vừa giảm rủi ro an ninh tiền tệ, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và phát triển thị trường lành mạnh.

Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến và tác hoạt động liên quan đang phát triển ngày càng đa dạng. Dòng tài sản này là xu thế không thể đảo ngược của thế giới nên nếu không sớm có quy định pháp lý sẽ gây ra hiện tượng chảy máu chất xám, hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và là rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ.

Xây dựng khung khổ pháp lý cho tài sản số - Ảnh 2.

Tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, tài sản số là khái niệm rất mới và phức tạp, việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với dòng tài sản này là thách thức của Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới.

Về phía cơ quan quản lý, tại Tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" vừa diễn ra, ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, nước ta cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số. Nếu thừa nhận và quản lý tài sản số như tài sản thì đòi hỏi không chỉ sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan. Phía Bộ Tài chính, trường hợp dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, trong đó chúng ta đã đưa ra được định nghĩa về tài sản số cũng như các nội dung có liên quan, thì trong phạm vi và chức năng của mình, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện các vấn đề liên quan, bao gồm cả hoàn thiện chính sách về thuế.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp sắp tới. Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số. Như vậy, khi Luật này có hiệu lực, tài sản số được xem như một loại tài sản trong pháp luật dân sự. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát triển, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp số tại Việt Nam./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước