Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích quan trọng của Hà Nội, mỗi năm thu hút hàng triệu du khách tham quan trong và ngoài nước.
Đối với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, việc ứng dụng công nghệ vào di tích thể hiện trên hai phương diện, đó là bảo tồn và phát huy giá trị. Đối với công tác bảo tồn, việc số hóa tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá… cho đến những nội dung về truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học hay thân thế, sự nghiệp của những vị đại khoa…
Tuy nhiên, nơi đây nói riêng và nhiều di tích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung đang gặp nhiều thách thức khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra.
"Cửa đóng then cài" - không đón khách tham quan bởi dịch COVID-19 nhưng đây lại là thời điểm Văn Miếu - Quốc Tử Giám tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với xu thế của thời đại.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết: "Việc sử dụng công nghệ ánh sáng, âm thanh vào ban đêm mang tới một cách thể hiện mới mẻ đối với công chúng và giới trẻ. Chúng tôi cũng mong những hoạt động ban đêm ấy sẽ giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian kết nối với những phố xung quanh và trở thành không gian đi bộ của Hà Nội".
Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút hàng triệu du khách tham quan trong và ngoài nước
Hiện nay, công nghệ 3D Mapping đang ngày càng phổ biến. Công nghệ này cho phép dựng mô hình có tỷ lệ và kích thước tương đương với sản phẩm thật, sau đó thông qua trình chiếu dưới dạng 3D. Cùng với đó, những sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ mới cũng đang được nghiên cứu, thử nghiệm như: hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet...
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietsoftpro, chia sẻ: "Thông qua các sản phẩm công nghệ, tất cả các trường học có thể kết nối thông qua hệ thống Internet để tạo ra các bài giảng trực quan, sinh động về di sản đặc biệt của thủ đô".
"Chúng tôi mong muốn thông qua công nghệ phát huy giá trị của di tích và hướng tới giáo dục về di sản cho người trẻ" - ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm.
Việc tiếp cận công nghệ đã, đang và sẽ giúp các di tích xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp thời đại, sẵn sàng đón khách du lịch trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Các học giả, chuyên gia công nghệ cho rằng, nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet, trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, trải nghiệm tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia tiến sĩ, tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D… Những công nghệ này giúp khách tham quan tìm hiểu một cách kỹ càng và đầy thú vị về Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong môi trường "ảo mà như thật", xây dựng những tour tham quan ảo 3D hấp dẫn. Những công nghệ này đều nằm trong "tầm tay" khi các công nghệ 4.0 mới nhất đều đã có mặt ở Việt Nam.
PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, khẳng định: “Nếu chúng ta biết vận dụng công nghệ số thì giáo dục di sản sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn. Công nghệ số tạo ra sản phẩm hiện thực ảo, cung cấp cho du khách nhiều cơ hội văn hóa, chủ động tìm hiểu cái mình cần, thu thập kiến thức. Để làm được điều này thì các cơ quan cần chủ động, sáng tạo xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0”.
Việc xây dựng các sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ sẽ giúp hoạt động của di tích trở nên hiệu quả hơn, phù hợp hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan, chuẩn bị sẵn sàng đón khách tham quan trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!