Sài Gòn Silicon City được xây dựng đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực thung lũng Silicon về đầu tư nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp nghệ cao.
Dự án Sài Gòn Silicon City được xây dựng trên diện tích 52 hecta tại khu Công nghệ cao TP.HCM, thuộc địa bàn quận 9. Tổng vốn đầu tư của dự án 40 triệu USD (tương đương với 860 tỷ đồng).
Đây có thể được xem như một mô hình chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao từ các công ty đến từ Thung lũng Silicon (Hoa Kỳ) tới sự phát triển khoa học kỹ thuật cao tại Việt Nam. Dự án này không chỉ đơn thuần thiên về gia công sản phẩm công nghệ từ các nước khác như hiện trạng ở một số khu công nghiệp tại Việt Nam, mà có sự kết hợp giữa nghiên cứu phát triển (R&D) và ứng dụng, trực tiếp sản xuất ra công nghệ hay sản phẩm tương ứng. Dự án sẽ là một cú hích làm nền tảng cho các “đại gia công nghệ” đầu tư vào Việt Nam.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: sẽ tiến hành xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng chung cho toàn khu công viên. Cụ thể, xây dựng tòa nhà điều hành Sài Gòn Silicon City phục vụ cho trung tâm điều hành chính và hỗ trợ cho các công ty thành viên thuê các phòng R&D, hình thành khu Techshop nhằm tạo điều kiện và giúp đỡ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đại học có cơ hội nghiên cứu, và triển khai các ý tưởng sáng chế và sản xuất các sản phẩm “made in” Việt Nam. Tại đây, cũng sẽ có phòng hội nghị 500 chỗ ngồi, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và lắp ráp linh kiện Hạt Giống Số (Digitalseed)... Giai đoạn 2: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục khác theo quy hoạch đã được duyệt.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công viên Sài gòn Silicon cho biết: “Dự án Sài Gòn Silicon City khi đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều cơ hội gia tăng nguồn năng lực nội sinh, tăng lợi thế cạnh tranh và làm chủ công nghệ nhằm phục vụ cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học công nghê (KHCN), và công nghiệp chế tạo tại TP.HCM. Từ đó, tạo cơ hội việc làm cũng như môi trường làm việc thiết thực và hiệu quả cho sinh viên ngành kỹ thuật. Đó là một trong những tâm huyết mà chúng tôi mong mỏi.”
Sau khi hoàn tất, đây sẽ là một công viên công nghệ cao xứng tầm khu vực, tập trung nghiên cứu và phát triển kết hợp sản xuất công nghệ và sản phẩm tương ứng. Bên cạnh đó, các hội nghị và diễn đàn công nghệ cao chuyên ngành sẽ được tổ chức thường xuyên nhằm cập nhật công nghệ mới. Khu công viên sẽ có các chương trình đào tạo cũng như cơ sở vật chất phục vụ thí nghiệm, nghiên cứu và ứng dụng.