Đưa Luật Chuyển giao công nghệ đi vào đời sống

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 12/07/2017 21:30 GMT+7

Ông Giang Sơn – Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước công bố toàn văn Lệnh về việc công bố Luật của Chủ tịch nước.

VTV.vn - Sáng 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Chuyển giao công nghệ

Sáng 12/7, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Chuyển giao công nghệ và một số Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Giang Sơn – Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh về việc công bố Luật của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV gồm: Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đường sắt, Luật Du lịch, Luật Thủy lợi. Đại diện lãnh đạo các Bộ có liên quan đã trình bày những nội dung cơ bản nhất về các Luật.

Sửa đổi Luật CGCN xuất phát từ thực tiễn

Trình bày về những nội dung cơ bản của Luật CGCN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Luật CGCN được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007), thu nhập bình quân đầu người thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và CGCN trong nước, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực.

Đưa Luật Chuyển giao công nghệ đi vào đời sống - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho hay, để đưa Luật sớm đi vào cuộc sống, mong các cơ quan nhà nước, tổ chức liên quan sớm cùng nhau tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật CGCN.

Tuy nhiên, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.

Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường, phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Luật CGCN sau một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số bất cập, chưa theo kịp được với xu thế đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật CGCN để tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KH&CN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.

Những nội dung cơ bản của Luật CGCN

Luật CGCN gồm 6 Chương, 60 Điều, cụ thể Chương I - Những quy định chung; Chương II - Thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Chương III - Hợp đồng CGCN; Chương IV - Biện pháp khuyến khích CGCN, phát triển thị trường KH&CN; Chương V - Quản lý nhà nước về CGCN; Chương VI - Điều khoản thi hành.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, những nội dung cơ bản của Luật CGCN gồm 9 nhóm nội dung, tập trung vào 5 nhóm vấn đề lớn. Một là, chính sách của nhà nước đối với hoạt động CGCN.

Đưa Luật Chuyển giao công nghệ đi vào đời sống - Ảnh 2.

Hai là, nhóm vấn đề về quản lý CGCN, quản lý công nghệ thông qua khuyến khích CGCN, hạn chế chuyển giao và cấm chuyển giao. Ba là, công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Bốn là, biện pháp khuyến khích thúc đẩy CGCN, giải pháp phát triển thị trường công nghệ một cách đồng bộ.

Cuối cùng là trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CGCN trong tất cả yêu cầu công việc, từ quản lý công nghệ, quản lý khuyến khích CGCN, cấm, hạn chế chuyển giao đến xem xét một cách thấu đáo trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.

Tham dự buổi Họp báo có ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Bộ ngành liên quan.

Luật CGCN 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và thay thế Luật CGCN 2006. Để Luật được triển khai và đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật CGCN bảo đảm các quy định này được thực hiện ngay khi Luật có hiệu lực. Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước