Adelaide Bracey, 23 tuổi, đến từ Sydney, đã bày tỏ nỗi bận tâm của mình bởi sự xuất hiện bất ngờ của các quảng cáo trên mạng xã hội mà cô cho là "đáng sợ".
Vài tuần trước, cô đã trò chuyện với một người bạn về phòng tắm hơi và bất ngờ ngay lập tức sau đó, hàng loạt những quảng cáo về phòng tắm hơi xuất hiện trên trang Facebook của cô.
"Tôi đã không tra google về sản phẩm, nhưng nó lại xuất hiện dưới dạng quảng cáo trên Facebook của tôi. Nó thực sự đáng sợ", cô nói.
"Khi tôi tìm kiếm thứ gì đó trên mạng, điều đương nhiên là một vài ngày sau đó sản phẩm tôi tìm kiếm sẽ xuất hiện trên Facebook. Nhưng lần này, tôi mới chỉ đề cập với một người bạn của mình."
Liên quan đến cách mà các doanh nghiệp nhắm tới người sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, Ủy ban Người Tiêu dùng tại Úc đã đề xuất thay đổi đạo luật về quyền riêng tư để tạo ra sự kiểm soát tốt hơn về cách Google và Facebook có thể theo dõi và sử dụng dữ liệu internet.
Chủ tịch Ủy ban Người Tiêu dùng tại Úc, Rod Sims, cho biết người tiêu dùng có thể ngần ngại chia sẻ lịch sử tìm kiếm và hạn chế sử dụng mạng xã hội nếu họ biết cách dữ liệu được sử dụng bởi các doanh nghiệp.
Trình theo dõi quảng cáo được sử dụng để theo dõi hành vi trực tuyến của người dùng. Bằng cách thu thập dữ liệu, công ty tiếp thị có thể nhắm mục tiêu quảng cáo trực tuyến.
Năm 2016, Facebook đã đưa ra tuyên bố phủ nhận rằng họ cố tình lắng nghe các cuộc hội thoại của khách hàng.
"Facebook không sử dụng micrô theo dõi để tạo thông báo quảng cáo hoặc thay đổi nội dung trên bảng tin Facebook. Một số bài báo gần đây đã cho rằng chúng tôi nghe lén mọi người nói chuyện với nhau để đẩy vào trang tin những quảng cáo có liên quan. Đây không phải là sự thật."
Tuyên bố tiếp tục cho biết công ty sẽ chỉ truy cập micro nếu khách hàng đã cấp quyền cho ứng dụng hoặc nếu khách hàng đang sử dụng một tính năng cụ thể yêu cầu âm thanh trong khoảng thời gian dài.