Chính thức lên sóng từ tháng 7/2015, chương trình Sáng kiến - Giải pháp do Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sản xuất là một chương trình đặc biệt dành cho những nhà sáng chế Việt Nam, những người luôn cống hiến hết mình cho niềm đam mê sáng tạo. Chương trình hướng tới mục tiêu tôn vinh những ý tưởng kỹ thuật, những sản phẩm sáng tạo của người Việt.
Trải qua 25 số phát sóng với 50 tác giả - 50 tác phẩm được giới thiệu, chương trình đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần khuyến khích khả năng sáng tạo của người Việt. Những đề tài được đề cập trong mỗi số phát sóng đều là những chủ đề gần gũi với cuộc sống, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội như: thiết bị tiết kiệm nhiên liệu, vật liệu mới, máy ứng dụng trong nông nghiệp, thiết bị chăm sóc sức khỏe, công cụ lao động cải tiến… Bên cạnh việc giới thiệu những sáng kiến, giải pháp mới, chương trình còn áp dụng những công nghệ hiện đại như trường quay ảo, kỹ thuật đồ họa 3D để bóc tách từng chi tiết cấu tạo nên sản phẩm và mô tả cách thức vận hành của thiết bị. Qua đó, khán giả có thể hiểu rõ thiết kế và ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm được giới thiệu trong chương trình.
Khác với các chương trình phát sóng trước đó, Gala Sáng chế - Giải pháp 2015 mang tới người xem cơ hội trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ, giải thích của các tác giả, những người không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và cải thiện những sản phẩm của mình sao cho mạnh mẽ hơn, có khả năng ứng dụng thực tế tốt hơn. Ngoài ra, khán giả còn được lắng nghe những tư vấn, ý kiến giá trị của Hội đồng chuyên gia thẩm định gồm những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật và thương mại hóa. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của Tiến sĩ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - người luôn dõi theo và ủng hộ các nhà sáng chế không chuyên, ông Đỗ Quốc Khánh - Trưởng Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam cùng đại diện, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hội đồng chuyên gia thẩm định của chương trình Sáng kiến - Giải pháp
Cùng với Ấn tượng Khoa học và Công nghệ 2015, chương trình Gala Sáng kiến - Giải pháp 2015 là món quà của Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam dành tặng khán giả trong dịp Tết Dương lịch năm 2016. Tại chương trình, Hội đồng chuyên gia thẩm định đã chọn ra 4 sản phẩm đạt giải thưởng trong tổng số 50 sản phẩm tham gia chương trình:
1. Giải nhân văn: Giải thưởng dành cho tác giả có sản phẩm hướng tới đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, có ý nghĩa an sinh xã hội
Trong số các sản phẩm tham gia chương trình, không ít sản phẩm được chế tạo nhằm mục đích cống hiến cho cộng đồng, giải quyết các vấn đề về sức khỏe, môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của những người nghèo và những khu vực còn khó khăn trên đất nước. Ngoài giá trị sáng tạo, những sản phẩm này còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, đề cao sự đóng góp cho cộng đồng hơn là vì lợi ích cá nhân hay giá trị kinh tế.
Tác giả Võ Duy Trữ nhận giải thưởng cho sản phẩm mang tính nhân văn
Xuất phát từ những giá trị mà tinh thần sáng tạo đầy nhân văn mang lại, sản phẩm Xe tập đi, đứng cho người bị liệt của tác giả Võ Duy Trữ đến từ Đà Nẵng đã nhận được giải nhân văn do Hội đồng giám khảo trao tặng. Đây là sản phẩm mà tác giả đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu và chế tạo, xuất phát từ tình cảm của tác giả dành cho người vợ bị bệnh của mình. Sản phẩm góp phần giúp những người bị liệt và gia đình bệnh nhân giảm bớt vất vả trong quá trình tập luyện và điều trị, đặc biệt trong bối cảnh trên thị trường chưa có sản phẩm tương tự với mức giá phải chăng có khả năng đáp ứng được nhu cầu tập luyện của bệnh nhân ngay tại gia đình. Ngoài ra, tác giả Võ Duy Trữ (86 tuổi) cũng là một trong những người nắm giữ kỷ lục nhà sáng chế lớn tuổi nhất tham gia chương trình.
Xe tập đi, đứng cho người bị liệt
Với chiếc xe tập đi, đứng cho người bị liệt có mức giá khoảng 3,8 triệu đồng, người bệnh có thể vừa tập đi, vừa tập đứng mà không cần người hỗ trợ trong khi vẫn đảm bảo sự an toàn và tiện dụng. Ngoài những sản phẩm đã bán cho các hộ gia đình, tác giả cũng ủng hộ thiết bị cho một số bệnh viện trên cả nước. Tác giả hy vọng sẽ nhận được nguồn quỹ để chế tạo sản phẩm dành cho các hộ gia đình nghèo mượn để sử dụng.
2. Giải sáng tạo: Giải thưởng dành cho tác giả có sản phẩm sở hữu ý tưởng tốt, tính mới và tính khoa học
Tác giả Lại Thị Bích và sản phẩm Máy sấy tiêu ngũ sắc
Trong 50 sản phẩm tham gia chương trình, mỗi sản phẩm đều mang ý tưởng độc đáo, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng trong đời sống xã hội. Sau khi xem xét và lựa chọn trong hệ thống các nhóm đề cử giải sáng tạo, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao tặng giải thưởng cho Máy sấy tiêu ngũ sắc của tác giả Lại Thị Bích đến từ Gia Lai.
Xuất phát từ một ý tưởng vô cùng tình cờ, tác giả Lại Thị Bích đã tạo ra được loại nông sản có giá trị cao là tiêu ngũ sắc với giá bán trên thị trường khoảng 700.000 đồng/kg. Mặc dù quả hồ tiêu trải qua 5 giai đoạn với 5 màu sắc khác nhau trong quá trình phát triển, tuy nhiên, từ trước tới nay, người nông dân chỉ thu được sản phẩm với hai màu sắc là đen (khi phơi tiêu dưới ánh nắng mặt trời) và trắng (khi bóc lớp vỏ đen).
Bằng cách sử dụng tia hồng ngoại để sấy, tác giả đã có thể lưu giữ cả 5 màu sắc tự nhiên của quả hồ tiêu, bao gồm: xanh (quả chưa chín), vàng (quả ướm chín), đỏ (quả chín), đen (quả tự khô) và trắng (quả tróc vỏ). Ngoài việc thay đổi màu sắc, quả hồ tiêu còn mang tới hương vị khác nhau ở mỗi loại. Đặc biệt, khi kết hợp giữa các loại tiêu có màu khác nhau, người dùng sẽ được trải nghiệm những hương vị hoàn toàn mới.
3. Giải hữu ích: Giải thưởng dành cho tác giả có sản phẩm nổi bật về giải pháp hữu ích và có khả năng thương mại hóa cao
Nhiều tác giả tham gia chương trình Sáng kiến - Giải pháp đã chọn cách tiếp cận xuất phát từ các vấn đề của đời sống để giải quyết bài toán của thực tiễn. Nhiều sản phẩm đã được ứng dụng thương mại hóa thành công và được đưa vào sử dụng rộng rãi trong đời sống, mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
Với tiêu chí về mức độ hoàn thiện của công nghệ, khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao và tính thương mại hóa tốt, Hội đồng giám khảo của chương trình đã chọn lọc trong rất nhiều sản phẩm và quyết định trao giải hữu ích cho sản phẩm Máy cấy lúa không dùng động cơ của tác giả Trần Đại Nghĩa đến từ Thái Bình.
Máy cấy lúa không dùng động cơ
Với mức giá từ 4 - 5 triệu đồng, chiếc máy cấy lúa này có thể giải quyết một trong những khâu vất vả nhất của việc nhà nông trong khi không cần sử dụng đến động cơ, giảm chi phí nhiên liệu và có giá thành phù hợp với điều kiện của người nông dân. Theo tác giả, chiếc máy có khả năng làm việc tương đương với sức lao động của 7 - 8 người. Khi cấy, người điều khiển chỉ cần vừa kéo máy vừa đẩy cần gạt, các đầu búa của máy sẽ tự lấy mạ và cắm thẳng xuống bùn theo 4 hàng với khoảng cách khoảng 20cm.
Chiếc máy này chỉ nặng khoảng 20kg, các bộ phận cơ khí được thiết kế linh hoạt để đảm bảo cả người lớn tuổi cũng có thể sử dụng máy. Từ khi chương trình phát sóng, tác giả cho biết đã bán được khoảng 300 sản phẩm/tháng.
4. Giải khán giả bình chọn: Giải thưởng dành cho tác giả có sản phẩm được khán giả bình chọn nhiều nhất rên Fanpage chính thức của chương trình
Với mục tiêu đề cao yếu tố tương tác với khán giả, chương trình đã lập ra trang Fanpage để khán giả cùng tham gia bình chọn, tìm ra các giải pháp kỹ thuật mới song song với sự đánh giá của Hội đồng chuyên gia thẩm định. Giải thưởng do khán giả bình chọn được đánh giá dựa trên số lượt Like dành cho video giới thiệu sản phẩm đăng trên Fanpage chính thức của chương trình.
Máy tách vỏ và nạo sợi củ sắn
Với sự ủng hộ của đông đảo khán giả, sản phẩm Máy tách vỏ và nạo sợi củ sắn của tác giả Hà Kim Tới đến từ Phú Thọ đã giành được giải khán giả bình chọn. Với giá thành dưới 1,1 triệu đồng, chiếc máy tách vỏ và nạo sợi củ sắn có thể làm việc thay cho 15 người, có khả năng hoạt động dựa trên cả hai loại nhiên liệu là xăng và điện.
Tiến sĩ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại chương trình Gala Sáng kiến - Giải pháp 2015
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân hy vọng các nhà sáng chế không chuyên sẽ đóng góp trí tuệ và khả năng sáng tạo vì sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ của đất nước. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp hãy tìm đến các nhà sáng chế không chuyên để đầu tư vào những sáng chế, giải pháp hữu ích của họ, mang những sản phẩm này đến với cộng đồng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được một nền sản xuất hàng hóa trên quy mô công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà sáng chế không chuyên cần tiếp tục đam mê, cống hiến cho xã hội nhiều sản phẩm tốt hơn”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!