Trên mạng xã hội hiện nay đang tồn tại rất nhiều video nhắm vào trẻ em. Phần đông trong số đó là những video rác, video nhảm, video cổ xúy, thậm chí là hướng dẫn trẻ em cách làm những việc nguy hiểm, bình thường vốn bị cha mẹ ngăn cấm như ném hàng trăm con dao từ trên tầng cao xuống, dạy cách trộm tiền, dạy cách thắt cổ mà không chết...
Và nhiều chuyện không mong muốn đã xảy ra khi các em ngây thơ, bắt chước theo mà không lường được hậu quả. Mới đây nhất, tại TP. Hồ Chí Minh, một bé gái 5 tuổi được người thân cho biết là tử vong vì học theo trò thắt cổ trên YouTube. Sự việc đau lòng này đã gây bàng hoàng cho nhiều người.
Tại khoa cấp cứu của bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Đinh Tấn Phương cho biết thực sự đau lòng về trường hợp bé gái 5 tuổi ở Tân Phú tử vong mà theo lời gia đình, nguyên nhân có thể bé học theo trò thắt cổ trên mạng xã hội.
Bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi tại bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viện từng cấp cứu trường hợp trẻ học theo trò trên mạng xã hội dẫn đến nguy kịch.
"Trong thời gian vừa qua, bệnh viện Nhi đồng 2 đã cấp cứu 3 ca rất giống nhau. Em bé có hành vi là thắt cổ bằng dây phơi đồ. 3 ca đó mình chỉ cứu sống được 1 ca. 3 ca đều rất nặng" - bác sĩ Phạm Hoàng Minh Khôi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ.
Mặc dù chưa rõ loại video mà các trẻ theo dõi và bắt chước là video nào nhưng có thể thấy, trên mạng xã hội có rất nhiều video có cảnh dạy thắt cổ. Điều này đặt ra vấn đề rằng, các bật phụ huynh phải hết sức theo dõi các video con trẻ theo dõi.
Ngoài video hình ảnh về trò thắt cổ, các bác sĩ cũng lưu ý phụ huynh về các trò mạo hiểm khác mà trẻ có thể vô tình xem phải. Không ít trường hợp tai nạn gãy tay, chân xảy ra cũng xuất phát từ việc trẻ bắt chước.
Bên cạnh trách nhiệm của gia đình, việc kiểm soát các hình ảnh mang tính bạo lực cũng cần được xem xét. Trên mạng xã hội hiện vẫn còn nhan nhản các hình ảnh bạo lực mà nếu không được kiểm soát, có thể sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề.
Video là ảo nhưng hậu quả lại là thật với những gia đình đau khổ vì mất con. Hàng nghìn bậc cha mẹ luôn lo lắng mỗi khi con chạm tới chiếc điện thoại và mê mải ngồi xem video.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: vậy người làm video có phải chịu trách nhiệm gì không nếu như video họ làm có ảnh hưởng tiêu cực đến người xem và gây ra những hậu quả nghiêm trọng? Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, nếu vụ việc có tính chất nghiêm trọng và có đủ các tình tiết hình sự thì có thể xử lý hình sự những trường hợp như thế này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!