Một clip chửi bới qua lại, thách thức đánh nhau với những lời lẽ vô văn hóa và tục tĩu của hai nhân vật nam mà chỉ đăng lên mạng khoảng 1 tháng đã có hơn 1,1 triệu người xem. Nếu ai xem thì sẽ chỉ một lúc là không thể chịu được với những ngôn từ mà hai nhân vật này sử dụng.
Vậy mà clip này lại được đăng công khai, bất kể lứa tuổi nào cũng có thể vào xem được. Hãy thử tưởng tưởng, nếu con cái của bạn chẳng may xem phải những clip với nội dung như vậy thì sẽ như thế nào? Đáng nói là những clip kiểu như vậy nhiều không kể hết.
Những video nhảm nhí xuất hiện trên nhiều nền tảng, từ trang chia sẻ video lớn nhất thế giới YouTube, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook hay trang chia sẻ video trực tuyến có tốc độ người sử dụng nhanh nhất thế giới TikTok. Điều này có nghĩa là, con cháu chúng ta, dù có rất giỏi, né được clip xấu độc lần thứ nhất, lần thứ hai, nhưng rất có thể lần thứ ba, lần thứ tư... không còn né được.
Trước vấn nạn này, nhiều bậc phụ huynh biết rõ tác động tiêu cực của chúng với con em mình, tuy nhiên, trong nhịp sống bộn bề công việc, đa phần cha mẹ bận đi làm cả ngày nên rất khó kiểm soát việc con cái nghe, đọc và xem gì trên mạng. Bất an, lo lắng đang là tâm lý chung của nhiều phụ huynh.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, hơn 66% trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Năm qua, có hơn 700.000 vụ liên quan tới hình ảnh, video rác xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên mạng - đứng thứ 2 trong ASEAN.
Bên cạnh những hiểm họa, không thể phủ nhận mặt tích cực mà Internet đem lại, đó là: mở ra kho tri thức khổng lồ và những trải nghiệm lý thú trong học tập, vui chơi cho các em. Vì thế, hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần dành thời gian giúp con chọn lọc, hướng con em mình theo dõi những nội dung hấp dẫn, bổ ích trên mạng. Bởi gia đình chính là vỏ bọc vững chắc đầu tiên giúp trẻ em tránh "rác văn hóa" đầy rẫy trên không gian số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!