Gian nan cuộc chiến chống vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình trên không gian mạng

VTV Digital-Thứ tư, ngày 03/03/2021 15:27 GMT+7

VTV.vn - Vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn đang ngang nhiên diễn ra khi những trận cầu hấp dẫn, những bộ phim ăn khách bị tùy tiện đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Vi phạm bản quyền không phải câu chuyện mới, tuy nhiên, trước sự lên ngôi của Internet, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, lượng người truy cập vào các nền tảng online để xem các chương trình giải trí tăng lên đáng kể.

Theo thống kê mới nhất, chỉ trong 7 ngày Tết, chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2021 của Đài Truyền hình Việt Nam đã có 2.011 trường hợp vi phạm bản quyền. Phim Vua bánh mì của Đài Truyền hình Vĩnh Long mỗi tuần có tới 1.000 link phát lậu trên mạng Internet. Đây chỉ là 2 ví dụ trong số hàng trăm, hàng nghìn bộ phim, chương trình giải trí bị ăn cắp bản quyền để phát tán trên không gian mạng một cách bất hợp pháp.

Ngang nhiên "ăn cắp" bản quyền nhiều chương trình giải trí

Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân, một "đặc sản Tết" của Đài Truyền hình Việt Nam, liên tục bị cắt ghép, mổ xẻ thành các video để câu view trên mạng xã hội. Dù đã thường xuyên kịp thời ngăn chặn các clip vi phạm, tuy nhiên, việc xử lý triệt để là rất khó.

Gian nan cuộc chiến chống vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình trên không gian mạng - Ảnh 1.

Gặp nhau cuối năm - Táo quân là một trong những chương trình bị các trang web cắt ghép, đăng tải trái phép nhiều nhất

Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam - cho biết: "Trước đây, rất nhiều phim của Đài Truyền hình Việt Nam bị vi phạm. Ví dụ như Người phán xử, Chạy án hay gần đây có phim Hướng dương ngược nắng, Trở về giữa yêu thương. Chương trình Táo quân hàng năm và đặc biệt năm 2021 có rất nhiều đối tượng vi phạm nhằm vào vì khả năng câu like câu view của các chương trình này, thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng".

Vì tiện, vì miễn phí nên nhiều người đã chọn xem phim trên các trang web lậu, bất chấp những phiền toái sẽ gặp phải khi xem trên nền tảng không chính thống. Thậm chí, một số bộ phim hay trong nước còn bị các đối tượng đưa lên các diễn đàn để người Việt tại nước ngoài xem, bằng cách đặt máy chủ đặt tại nước ngoài, dùng tên miền nước ngoài khiến các đơn vị sở hữu bản quyền tại Việt Nam khó phát hiện ra được.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho hay: "Ngoài cái việc họ thu phí, kinh doanh bất hợp pháp thì họ câu view, câu like để lấy lượng view nhất định, từ đấy họ bán quảng cáo, thu tiền chứ họ không thu tiền trực tiếp từ người xem. Dù bất cứ hình thức nào đều là vi phạm. Khi không có sự đồng ý thoả thuận của chủ sở hữu bản quyền thì đã là vi phạm bản quyền rồi, còn không liên quan đến việc họ có thu tiền hay không".

Vấn nạn vi phạm bản quyền các giải bóng đá

Mới đây, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi công văn, yêu cầu ngăn chặn hơn 40 website vi phạm bản quyền bóng đá ngoại hạng Anh theo kiến nghị của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+). Những lượt xem bóng đá từ các nguồn không chính thống đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín cho các đơn vị sở hữu chính thức.

Có đến 4.000 link vi phạm được K+ phát hiện trong 1 tháng, tương ứng với hàng triệu lượt xem bởi sức hút của các giải bóng đá như ngoại hạng Anh, cúp C1 - C2. Những lượt xem bất hợp pháp này đang gây thất thoát doanh thu cho đơn vị sở hữu bản quyền.

Thậm chí, việc vi phạm bản quyền đã khiến đơn vị bỏ tiền ra mua bản quyền các giải đấu bị dừng phát sóng. Điều này lại ảnh hưởng tới quyền lợi của khán giả chân chính khi đã chấp nhận mua gói cước để thưởng thức bóng đá nhưng lại không được xem.

"Chúng tôi là đơn vị sở hữu độc quyền của cúp C1 và C3 mùa giải 2017 - 2018 nhưng vì tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet nên chúng tôi đã bị ngừng phát phóng hai giải đấu đó. Trong năm 2020 vừa qua, chúng tôi đã xử lý hơn 30.000 video lậu trên Facebook và hơn 8.000 video lậu trên YouTube", ông Hán Việt Linh - Chuyên gia bản quyền của Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) - chia sẻ.

Gian nan cuộc chiến chống vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình trên không gian mạng - Ảnh 2.

Tình trạng vi phạm bản quyền FIFA World Cup™ 2018 từng diễn ra một cách tràn lan

Hiện nay, có rất nhiều hình thức xâm phạm bản quyền các giải thể thao như tiếp sóng giải đấu ở cùng thời điểm hay biên tập lại các trận đấu rồi đăng tải lên các website vi phạm. Dù là hình thức gì thì các hành vi này đều có thể bị phạt từ 100 - 200 triệu đồng, thậm chí phạt tù 3 năm và phải bồi thường thiệt hại đã gây ra cho chủ sở hữu.

Luật sư Hà Thị Kim Liên của Văn phòng Luật sư Phan Law Việt Nam cho biết: "Hiện tại, chủ thể quyền cũng đã rất chú ý bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên, các hành vi xâm phạm bản quyền, đặc biệt trên môi trường Internet, diễn ra rất tinh vi dẫn đến những khó khăn cho chủ thể quyền trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi của mình".

Cũng theo luật sư, mức phạt cho hành vi xâm phạm bản quyền còn chưa tương xứng với những thiệt hại mà chủ sở hữu bản quyền phải hứng chịu. Mặc dù vậy, việc các đơn vị sản xuất nội dung ý thức được giá trị của việc bảo vệ bản quyền chương trình của mình cũng là một tín hiệu đáng mừng.

Khó khăn trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền trên không gian mạng

Trước thực trạng vi phạm bản quyền nội dung trên không gian mạng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai thành lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền nội dung số, với sự phối hợp của Cục bản quyền tác - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị cung cấp mạng Internet trên toàn quốc. Bảo vệ bản quyền sẽ là cuộc chiến lâu dài nên sự hợp tác khăng khít giữa các cơ quan quản lý Nhà nước là điều cần thiết.

Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, dự kiến trong quý II/2021, Trung tâm Bảo vệ bản quyền nội dung số sẽ được thành lập. Trung tâm mới được kỳ vọng sẽ bảo vệ bản quyền một cách hiệu quả, đảm bảo công bằng cho các đơn vị sản xuất nội dung.

"Bằng nhiều biện pháp bảo vệ, chúng tôi phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các thuê bao sử dụng 3G, 4G và các thiết bị di động đăng nhập vào các website phát nội dung vi phạm bản quyền, từ đó sẽ ngăn chặn được vi phạm bản quyền tại Việt Nam" - ông Phạm Hoàng Hải chia sẻ.

Bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính các đơn vị sở hữu bản quyền cũng đang nỗ lực tìm kiếm phương án để chủ động ngăn chặn vi phạm bản quyền. Từ tháng 3 năm nay, K+ sẽ đưa vào sử dụng công nghệ Watermarking - công nghệ tiên tiến nhất được hợp tác với công ty hàng đầu về bảo mật trên thế giới tại Thụy Sĩ.

Anh Bùi Trung Hiếu - Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+) - cho biết: "Chúng tôi sẽ chèn code ẩn trong tín hiệu video. Khi người vi phạm bản quyền sử dụng tín hiệu video, họ sẽ không thấy code của khách hàng hiện lên. Chúng tôi sẽ lưu tín hiệu ấy và dùng một phần mềm để xử lý, giải mã code ấy, ngay lập tức sẽ khoá tín hiệu vi phạm bản quyền".

Bảo vệ bản quyền sẽ giúp lành mạnh hoá việc cung cấp nội dung cho khán giả cũng như tạo ra thói quen cho người xem tuân thủ những quy định về bản quyền, từ đó sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị truyền hình sản xuất ra các nội dung tốt hơn phục vụ khán giả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước