Giao dịch bằng chữ ký số có gì khác hợp đồng thông minh bằng Blockchain?

P.L-Thứ năm, ngày 23/12/2021 18:15 GMT+7

VTV.vn - So với ứng dụng Blockchain trong giao dịch, chữ ký số được đảm bảo về tính pháp lý, giúp cho các giao dịch trên môi trường Internet trở nên an toàn hơn.

Liên quan đến các giao dịch số, giao dịch điện tử, bên cạnh chữ ký số, trong những năm gần đây có nổi lên những công cụ liên quan đến Blockchain, điển hình trong số đó là hợp đồng thông minh (Smart Contract). Đây là một bộ giao thức đặc biệt có khả năng tự động thực hiện các điều khoản, các thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhờ sự hỗ trợ của công nghệ Blockchain.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Khơ Din - Tổng Giám đốc Nền tảng Chuyển đổi số thuộc tập đoàn Bkav - cho biết: "Về bản chất, Blockchain và chữ ký số là hai đối tượng khác nhau. Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhiều về Smart Contract. Đây là một hình thức ứng dụng Blockchain thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, hình thức này chưa được pháp luật thừa nhận về giá trị pháp lý của nó. Trong khi đó, chữ ký số được thừa nhận giúp cho các giao dịch trên môi trường Internet đảm bảo an toàn, được pháp luật công nhận, đảm bảo tính thuận tiện nhất hiện nay".

Giao dịch bằng chữ ký số có gì khác hợp đồng thông minh bằng Blockchain? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Khơ Din - Tổng Giám đốc Nền tảng Chuyển đổi số thuộc tập đoàn Bkav

Theo ông Lê Phương - Phó Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Viễn thông New-Telecom, chữ ký số tại Việt Nam có 3 đặc điểm chính: một là xác nhận danh tính, hai là chống chối bỏ và ba là đảm bảo tính toàn vẹn thông tin. Trong khi đó, Blockchain đảm bảo được hai yếu tố, đó là chống chối bỏ và tính toàn vẹn. Tuy nhiên, việc xác định danh tính trên Blockchain sẽ là điểm yếu, trong khi đó, những chữ ký số có thể làm rất tốt.

"Tại thị trường Việt Nam, chữ ký số được Chính phủ và Bộ Thông tin & Truyền thông đứng sau để đảm bảo về tính pháp lý. Do đó, đến khi khách hàng sử dụng chữ ký số để xác nhận các giao dịch của mình, ngoài việc đảm bảo an toàn thông tin thì cũng sẽ được pháp luật Việt Nam bảo vệ về quyền lợi khi thực hiện các giao dịch" - ông Lê Phương cho biết thêm.

Ông Phùng Huy Tâm - Giám đốc công ty cổ phần công nghệ thẻ NACENCOMM - cho rằng: "Ở phương diện thuận tiện, chữ ký số độc lập về mặt pháp lý đối với ứng dụng, đối với nền tảng. Điều này có nghĩa là chữ ký số gắn với tính chống chối bỏ về mặt pháp lý vào giao dịch, đảm bảo giao dịch sẽ được kiểm chứng, kiểm tra một cách độc lập với hệ thống khởi tạo ở bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ nơi nào. Đây là điểm rất mạnh của chữ ký số".

Giao dịch bằng chữ ký số có gì khác hợp đồng thông minh bằng Blockchain? - Ảnh 2.

Ông Phùng Huy Tâm - Giám đốc công ty cổ phần công nghệ thẻ NACENCOMM

Theo ông Lê Việt Cường - Giám đốc Trung tâm chứng thực CKS FPT-CA, hiện tại, chữ ký số là công nghệ duy nhất được thừa nhận tính pháp lý ở Việt Nam, nghĩa là giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử khi ký bằng chữ ký số sẽ tương đương như ký tay. So với những công nghệ hiện tại, chữ ký số có những ưu điểm vượt trội.

Giao dịch bằng chữ ký số có gì khác hợp đồng thông minh bằng Blockchain? - Ảnh 3.

Ông Lê Việt Cường - Giám đốc Trung tâm chứng thực CKS FPT-CA

"Điểm nhấn mạnh ở đây là khi bạn đưa ứng dụng công nghệ mới vào thì bản thân nó phải thể hiện tính ưu việt về công nghệ, thứ hai là đảm bảo về tính chất pháp lý do cơ quan chủ quản ban hành. Có thể nói, Chữ ký số là công nghệ duy nhất mà đạt được tính năng đó và đây cũng là lý do mà chữ ký số đang rất phổ biến trên thị trường" - ông Lê Việt Cường cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước