Hôm nay (24/3), Google đã thay thế ảnh đại diện trên trang chủ công cụ tìm kiếm bằng một doodle đặc biệt tôn vinh bánh mì Việt Nam. Theo Google, đây là món ăn đường phố với hương vị rất ngon, khiến người ăn thỏa mãn. Món ăn này được gã khổng lồ tìm kiếm ví như sự hòa quyện của các nền văn hóa trong từng thành phần tạo nên món ăn.
Lý do Google chọn hình ảnh bánh mì Việt Nam làm doodle hôm nay là vì vào ngày này năm 2011, "bánh mì" đã được thêm vào từ điển tiếng Anh Oxford.
Bánh mì Việt Nam bắt nguồn từ đâu?
Về nguồn gốc của món ăn này, một số người cho rằng bánh mì là món ăn phổ biến tại những con phố sầm uất ở Sài Gòn vào cuối những năm 1950, tuy nhiên, điều này vẫn chưa được xác minh chính thức. Nhiều ý kiến cho rằng bánh mì lấy cảm hứng từ món bánh mì dài (baguette) của Pháp kết hợp với bánh kẹp (sandwich).
Một chiếc bánh mì truyền thống của Việt Nam thường bao gồm bánh mì giòn kẹp thêm một số thành phần tùy chọn như pa-tê thịt lợn, giò lụa, chả hoặc thịt viên cùng một vài loại rau như rau mùi, dưa chuột, cà rốt, củ cải muối, thêm nước sốt, bơ thực vật hoặc sốt mayonnaise, cuối cùng cho thêm tương ớt hoặc ớt. Bằng cách thay thế hương vị châu Âu bằng các nguyên liệu Việt Nam, một món ăn mang hương vị đậm đà, mang bản sắc riêng đã ra đời.
Trong thời đại hiện nay, người ta có thể tìm thấy nhiều loại bánh mì khác nhau trong các quầy hàng trên đường phố, chợ và nhà hàng trên khắp thế giới, từ New York đến Seoul. Người Hàn Quốc thường thưởng thức bánh mì kẹp với thịt bò nướng bulgogi đặc trưng của họ kèm theo kim chi. Ở Hoa Kỳ, các cửa hàng đã sử dụng nhiều công thức nấu ăn để tạo ra một phiên bản thu nhỏ hơn của bánh mì.
Chia sẻ của tác giả về doodle tôn vinh bánh mì Việt Nam
Được biết, Olivia Huynh chính là nghệ sĩ đã thiết kế doodle tôn vinh bánh mì Việt Nam. Theo tác giả, các họa sĩ của Google hiếm khi thiết kế doodle cho các món ăn, vì vậy, cô cảm thấy rất vinh dự khi được thiết kế doodle về một món ăn mà rất nhiều người trên thế giới yêu thích, trong đó bao gồm cả cô.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta thường cố gắng chọn các chủ đề sẽ mang lại nhiều nhận thức hơn mọi người nhưng điều quan trọng là phải thể hiện sự đánh giá cao đối với một cái gì đó như bánh mì, món ăn vốn nổi tiếng và gắn bó với nhiều người" - Olivia Huynh chia sẻ.
Cô cũng cho biết, nhiều người khác đã giúp cô đóng góp ý tưởng và thực hiện doodle này, đặc biệt là các chuyên gia thị trường tại địa phương. Phần lớn cảm hứng đến từ các quầy bán hàng ăn, họ có thể kết hợp mọi thứ lại với nhau nhanh chóng với các thành phần được chuẩn bị đầy đủ.
"Cá nhân tôi nghĩ rằng món ăn là một chủ đề hay bởi nó được thêu dệt vào những ký ức hằng ngày của mọi người. Món ăn thường không chỉ khiến bạn nghĩ về một sự kiện lớn mà còn tồn tại qua nhiều thế hệ. Đối với tôi, đó là một phần của nhiều kỷ niệm rất đơn giản nhưng hạnh phúc khi ăn cùng gia đình. Tôi đã cố gắng mang cảm giác đó vào màu sắc và tông màu tổng thể của doodle".
Về cách tạo ra doodle này, Olivia Huynh cho biết, phong cách thiết kế có phần dựa trên các nguyên mẫu 3D đầu tiên của đồng nghiệp cô là Diana Tran.
"Chúng tôi đã thử sử dụng nguyên mẫu 3D trong doodle nhưng kích thước tệp là một vấn đề lớn và chúng tôi quyết định sẽ tốt hơn nếu tập trung nhiều hơn vào hoạt họa".
Nguyên mẫu 3D dự định thiết kế ban đầu của doodle
Chia sẻ về thông điệp gửi gắm qua doodle, tác giả cho biết: "Tôi hy vọng doodle sẽ thể hiện sự biết ơn đối với những người bán thức ăn đường phố và những đầu bếp làm nên món ăn này hằng ngày. Hy vọng nhiều người sẽ thích nó. Toàn bộ thời gian tôi làm việc để thiết kế doodle này, tôi đã cảm thấy rất đói và thèm ăn bánh mì. Mặc dù tôi đã ăn nhiều trong suốt quá trình làm việc, mỗi lần tôi làm, tôi đều cảm thấy như mình đã tìm thấy một sự đánh giá cao mới".
Một số ý tưởng thiết kế ban đầu của doodle tôn vinh bánh mì Việt Nam:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!