Robot mang tên PaLM-SayCan, có đôi mắt và cánh tay vật lý linh hoạt. Tính năng trò chuyện ảo của chatbox được tích hợp vào robot giúp mọi người có thể đưa ra các yêu cầu đối với robot bằng lời nói và được đáp ứng một cách nhanh chóng.
Điểm nổi bật của robot này là con người có thể tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên như giữa người với người.
Ban đầu khi tiếp nhận các yêu cầu bằng lệnh thoại, robot sẽ chia nhỏ những yêu cầu đó của khách hàng thành các nhiệm vụ nhỏ hơn. Sau khi diễn giải các lệnh xong, robot sẽ lần lượt thực hiện từng công việc cho đến khi quá trình thực hiện lệnh kết thúc.
Trước đó, mặc dù đã nhiều lần thử nghiệm robot thông minh để hỗ trợ con người những tác vụ thông thường trong đời sống nhưng kết quả đã không làm Google hài lòng cho đến khi sản xuất thành công dự án PaLM-SayCan.
Theo số liệu thu thập được sau thử nghiệm, robot PaLM-SayCan kết hợp trí tuệ nhân tạo được cho là có khả năng lập kế hoạch công việc tốt hơn 14%, đồng thời tỉ lệ thực hiện thành công cũng tốt hơn 13% so với các mô hình robot tiền nhiệm.
Mặc dù Google cho biết họ đang chú trọng phát triển kế hoạch mới nhưng dường như các sản phẩm robot AI mới này sẽ bị đình trệ vì họ lo ngại robot của họ sẽ trở thành một máy giám sát hoặc đưa ra những phản ứng, lời lẽ xúc phạm khách hàng, giống như vụ việc xảy ra với chatbot ảo của Meta thời gian gần đây. Đây chính là lý do mà hiện tại robot AI PaLM-SayCan của Google sẽ chỉ giới hạn trong việc nhận lệnh và lấy đồ ăn nhẹ cho nhân viên, ngoài ra sẽ không thực hiện thêm các tác vụ nào khác như trò chuyện chuyên sâu với người dùng.
Mặc dù vậy, robot của Google vẫn mở đường cho thế hệ các robot thực hiện một nhiệm vụ đơn lẻ, như hút bụi hay đứng gác tại các tòa nhà công cộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!