Ngày Trái đất là ngày để nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên của Trái đất. Ngày Trái đất lần đầu được tổ chức như một cuộc hội thảo về môi trường vào ngày 22/4/1970 dưới sự tài trợ của Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson.
Một tổ chức được thành lập bởi Denis Hayes, nguyên là điều phối viên toàn quốc năm 1970, đã đưa Ngày Trái đất lên tầm quốc tế vào năm 1990 và tổ chức các sự kiện ở 141 quốc gia.
Ngày Trái đất hiện tại được điều phối toàn cầu bởi Mạng Ngày Trái Đất (Earth Day Network) và được tổ chức hằng năm tại hơn 192 quốc gia. Nhiều cộng đồng thậm chí còn tổ chức sự kiện Tuần Trái đất - một tuần của các hoạt động xoay quanh các vấn đề môi trường.
Năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố, ngày 22/4 là Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất (International Mother Earth Day).
Hình ảnh Trái đất được chụp bởi phi hành đoàn của Apollo 10 ngày 18/5/1969 (Ảnh: AP)
Ban đầu, Ngày Trái đất được đề xuất bởi John McConnell năm 1969 tại một hội nghị của UNESCO ở San Francisco. Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức vào ngày 21/3/1970 - ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu. Ngày này sau đó đã được thể hiện trong một lời tuyên bố của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant là một ngày hành động toàn cầu. Ngày nay, Ngày Trái đất vào ngày xuân phân (20 hoặc 21/3) vẫn được tổ chức ở nhiều thành phố tại Mỹ, như ở San Francisco và các thành phố khác ở California.
Nhân dịp đặc biệt này, Google đã cập nhật ảnh đại diện trên trang chủ bằng một doodle mới. Doodle mang tên "Ngày Trái đất năm 2022" được thiết kế dưới dạng ảnh động, sử dụng các hình ảnh tua nhanh theo thời gian thực từ Google Earth Timelapse và các nguồn khác.
Doodle Ngày Trái đất năm 2022 của Google
"Doodle Ngày Trái đất hôm nay đề cập đến một trong những vấn đề cấp thiết nhất của thời đại này, đó chính là biến đổi khí hậu" - Google chia sẻ về doodle mới.
Theo gã khổng lồ tìm kiếm, doodle Ngày Trái đất 2022 thể hiện tác động của biến đổi khí hậu đối với bốn khu vực khác nhau trên hành tinh xanh, bao gồm hình ảnh thực từ núi Kilimanjaro ở Tanzania, châu Phi; sông băng Sermersooq ở Greenland; rạn san hô Great Barrier ở Australia; rừng Harz ở Elend, Đức.
Hình ảnh sông băng tan dần trên đỉnh núi Kilimanjaro ở Tanzania, châu Phi, được chụp vào tháng 12 hàng năm từ 1986 đến 2020
Hình ảnh sông băng tan dần ở Sermersooq, Greenland, được chụp vào tháng 12 hàng năm từ 2000 đến 2020
Hình ảnh rạn san hô Great Barrier bị tẩy trắng dần trên đảo Lizard, Australia, được chụp mỗi tháng từ tháng 3 - 5/2016
Hình ảnh rừng Harz ở Elend, Đức bị phá hoại bởi bọ vỏ cây do nhiệt độ tăng và hạn hán nghiêm trọng, được chụp vào tháng 12 hàng năm từ 1995 đến 2020
Trong Ngày Trái đất, mọi người thường tổ chức các hoạt động nhằm mục đích bảo vệ môi trường như tuyên truyền kêu gọi chung sức bảo vệ môi trường sống, tổ chức trồng cây xanh, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!