Hệ sinh thái chuyển đổi số đột phá tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022

P.V-Thứ tư, ngày 25/05/2022 17:02 GMT+7

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa phát biểu khai mạc sự kiện

VTV.vn - Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 chính thức được khai mạc với các tham luận chuyên sâu và các giải pháp chuyển đổi số đột phá.

Diễn đàn khai mạc hôm nay (25/5) và sẽ được diễn ra trong 2 ngày với 18 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm chuyển đổi số, dự kiến thu hút 2,500+ lượt đại biểu trong nước và quốc tế tham dự và tham gia các hoạt động cùng 10,000+ lượt theo dõi trực tuyến. Diễn đàn là sự kiện nhiệt liệt chào mừng "Ngày Chuyển đổi số" 10/10 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Năm nay, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) lấy chủ đề "Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số". Hơn 150 diễn giả sẽ tập trung bàn bàn thảo tại 18 phiên hội nghị bao gồm 01 phiên khai mạc và 18 phiên chuyên đề, thiết kế theo 04 trục:

Chính phủ số: 03 phiên Hợp lực CĐS cho Bộ ngành;  Hợp lực CĐS cho các Địa phương; và Kinh nghiệm CĐS tại các quốc gia Châu Á.

Kinh tế số: 08 phiên dành cho 08 ngành trọng điểm ưu tiên chuyển đổi số bao gồm  Tài chính – Ngân hàng; Giao thông vận tải – Logistics; Y tế; Giáo dục; Du lịch; Thương mại; Bất động sản; Nông nghiệp

Doanh nghiệp số: Doanh nghiệp SMEs, Doanh nghiệp Sản xuất, Nền tảng số - Cloud computing; Nhân lực số, Startup số và Startup-Pitching.

Chuyển đổi số tại Châu Á: với 2 phiên và chia sẻ thông tin của 11 quốc gia và nền kinh tế trong khu vực về các chương trình, kinh nghiệm, điển hình thành công trong chuyển đổi số.

Bên cạnh các phiên hội nghị chính còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm Nền tảng giải pháp số và kết nối cung cầu chuyển đổi số (trực tiếp & trực tuyến). Các hoạt động của diễn đàn nhằm hướng đến mục đích: Chia sẻ tầm nhìn – Giới thiệu giải pháp – Kết nối cung cầu trong chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA chia sẻ: "Để thực hiện thắng lợi mục tiêu vô cùng thách thức của Thủ tướng Chính phủ, phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Các nguồn lực của chúng ta hiện không chỉ thiếu, mà còn bị phân mảnh. Hợp lực giữa Bộ ngành với Bộ ngành, Địa phương với Địa phương, Doanh nghiệp với doanh nghiệp, và giữa các thành phần này với nhau sẽ tạo ra được những chương trình bài bản, có định hướng, những chính sách cởi mở, thông thoáng, và những hệ sinh thái số phù hợp, tối ưu cho các cơ quan, tổ chức Việt Nam.

Các doanh nghiệp công nghệ số đang nỗ lực phát triển các nền tảng, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng, đầu tư nghiên cứu và đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới: AI, Blockchain…,  và đang nỗ lực hợp lực cùng nhau, xây dựng hệ sinh thái số giúp chuyển đổi số cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp. Doanh nghiệp cam kết và luôn sẵn sàng hợp lực cùng Chính phủ, các Bộ, Ngành, Địa phương để phát triển kinh tế số, tăng tốc chuyển đổi số."

Sẵn sàng hợp lực chuyển đổi số, mở tương lai mới cho kinh tế số

Là tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam và dẫn dắt chuyển đổi số, Tập đoàn FPT mang đến diễn đàn những kinh nghiệm và bài học thực tiễn đúc kết trong quá trình triển khai chuyển đổi số thành công cho Chính phủ, tỉnh thành, hàng ngàn doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.

Cụ thể, trong phiên dẫn dắt tọa đàm chuyên đề "Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân – Vai trò của lãnh đạo địa phương trong sự nghiệp chuyển đổi số", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra vô cùng tích cực và hứng khởi.

Đến đầu tháng 5/2022, Việt Nam có 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59/63 địa phương đã ban hành chương trình/ đề án hoặc kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm. Song song đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, cho thấy tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số ở nhiều tỉnh thành đã đem lại những thành quả bước đầu đáng khích lệ trong phát triển và đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Hệ sinh thái chuyển đổi số đột phá tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 - Ảnh 1.

Khách tham dự trải nghiệm giải pháp thực tế ảo akaVerse

Tuy nhiên, theo ông Bình, chuyển đổi số ngoài là cơ hội, còn mang nhiều thách thức. Báo cáo gần nhất của World Bank về chuyển đổi số tại Việt Nam, hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang sở hữu một thuận lợi cơ bản, đồng thời là thách thức lớn. Đó là mô hình phân cấp cụ thể của quốc gia. Việt Nam là quốc gia nhất thể, nhưng 63 tỉnh thành của quốc gia phụ trách phần lớn việc quyết định và thực thi chuyển đổi số.

"Chuyển đổi số quốc gia cần là thành công chuyển đổi số của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động", ông Trương Gia Bình chia sẻ.

Suốt nhiều năm qua, nhờ tinh thần sẵn sàng hợp lực, năng lực và kinh nghiệm tư vấn - triển khai, FPT đã trở thành đối tác chuyển đổi số chiến lược của Chính phủ. Trong 54 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết/Chương trình chuyển đổi số, FPT đã tiếp cận, ký kết hợp tác chiến lược và đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số với hơn 40 tỉnh thành.

Tập đoàn cũng ghi tên mình tại nhiều dự án chuyển đổi số thành công cho hàng ngàn doanh nghiệp ở các lĩnh vực trọng yếu như tài chính - ngân hàng, bất động sản, SMEs, sản xuất, ứng dụng các xu hướng công nghệ 4.0 như AI, Blockchain, Cloud, Big Data... Giải pháp chuyển đổi số của FPT còn hiệu quả   và phù hợp với các nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tập đoàn bắt tay với nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn năm 2021. Sự cộng hưởng sức mạnh này đã tạo ra xung lực mới thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của 800.000 doanh nghiệp trong nước, đóng góp vào nền kinh tế số.

Các cú bắt tay, hợp lực của FPT không chỉ dừng lại ở việc nâng tầm chuyển đổi số, mà thông qua đó khẳng định hệ sinh thái sản phẩm công nghệ của người Việt, nâng tầm trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới.

Ở mặt trận chính phủ số, FPT mang đến giải pháp Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị Thông minh (IOC) Bình Định, giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; nắm bắt mọi  số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh…

Bộ giải pháp được xây dựng đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ TT&TT với 8 dịch vụ chính: Phản ánh hiện trường, Giám sát và điều hành giao thông, An ninh trật tự, Giám sát an toàn thông tin, Giám sát thông tin trên môi trường mạng, Giám sát dịch vụ công, Thông tin Kinh tế - Xã hội, dashboard - bảng điều khiển tổng hợp giám sát điều hành.

Vận hành Trung tâm IOC, lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Với nhóm giải pháp cho doanh nghiệp, Tập đoàn giới thiệu Hệ sinh thái nền tảng, giải pháp chuyển đổi số toàn diện Made by FPT  với hơn 100 giải pháp chuyển đổi số dựa trên những công nghệ mới nhất AI, Blockchain, Cloud, Chữ ký số điện tử... phù hợp và giúp các doanh nghiệp ở mọi vùng miền, mọi quy mô phát triển đột phá, linh hoạt và thần tốc.

Đơn cử, nền tảng Trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành và nâng tầm trải nghiệm khách hàng, trở thành nền tảng để doanh nghiệp hòa nhập dòng chảy phát triển kinh tế số của quốc gia. FPT.AI cung cấp 3 nhóm sản phẩm chính, gồm: Giải pháp hội thoại AI (Conversational AI) - nền tảng xây dựng và quản lý hội thoại tự động, Giải pháp trích xuất dữ liệu thông minh (Intelligent Document Processing) - trích xuất dữ liệu từ văn bản và số hóa tài liệu và Giải pháp định danh điện tử (eKYC). Tính đến nay, sản phẩm Trợ lý Ảo của FPT.AI đã xử lý hơn 120 triệu cuộc trò chuyện với người dùng mỗi tháng với tỷ lệ giải quyết thành công đến 97%, nâng cao 60% năng suất của nhân viên và tiết kiệm 67% chi phí.

Các đại biểu trong chương trình còn được tiếp cận các phát kiến công nghệ mới từ FPT, mở ra tương lai mới cho của kinh tế số. Đó là giải pháp akaVerse - hỗ trợ tăng cường trải nghiệm khách hàng thông qua các công nghệ hình ảnh nâng cao như 3D, VR/AR... akaVerse không những giúp thay đổi cách doanh nghiệp và khách hàng tương tác với nhau trong xu hướng ảo hóa của thế giới (Metaverse) mà còn giải quyết bài toán giới hạn vật lý ngoài đời thực (không gian, tiếp xúc, di chuyển). Với việc tăng cường trải nghiệm xem sản phẩm của khách hàng, cũng như tương tác trên đa nền tảng sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm độc đáo và sáng tạo hơn, doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ mua hàng.

Các công ty thành viên gồm FPT Software, FPT Digital, FPT Smart Cloud, FPT IS giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số tổng thể lẫn chuyên sâu nhằm thúc đẩy sức mạnh nội tại cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trọng yếu như bất động sản - xây dựng, tài chính - ngân hàng hoặc theo quy mô từ tập đoàn toàn cầu cho đến công ty vừa và nhỏ… Các gói giải pháp tiên tiến ứng dụng các công nghệ mới như Điện toán đám mây (Cloud), Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)…

Công nghệ sáng tạo và kinh nghiệm chuyển đổi số thành công

Là đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển đổi số hàng đầu Việt Nam, đã từng triển khai thành công nhiều dự án số hóa, chuyển đối số cho khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, FSI được BTC Vietnam - Asia DX Summit 2022 tin tưởng mời tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp tại các chuyên đề lớn của sự kiện, đồng thời chia sẻ những bài học giá trị về tầm nhìn chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực.

Tại phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề "Vai trò của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam" diễn ra  dưới sự điều phối của ông Ngô Diên Hy, Phó Chủ tịch VINASA, Chủ tịch Ủy ban Chính phủ số VINASA, các nội dung đưa ra tập trung giải quyết hai vấn đề chính: "Vai trò của Chính phủ hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số?" và "Đề xuất của các doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình chuyển đối số địa phương".

Ông Nguyễn Hùng Sơn - Chủ tịch HĐQT FSI, đại diện cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã đưa ra đề xuất: "Các doanh nghiệp ngành công nghệ cần phải đồng hành, tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ, bộ, ngành và địa phương, đưa ra những định hướng chiến lược và chương trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng yếu.

Tiếp đến, với mỗi địa phương cần xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình phát triển mạng lưới chuyên gia, tổ chức tư vấn chuyển đổi số doanh nghiệp và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng và tham gia các hoạt động chung nhằm duy trì và phát triển mạng lưới. Đánh giá, lựa chọn và công bố các nền tảng số, giải pháp số phục vụ chuyển đổi số của các doanh nghiệp lớn và phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp đầu ngành trong chuyển đổi số

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành hành lang pháp lý cho phép các mô hình kinh doanh đổi mới trong nền kinh tế số, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số gồm chuyên gia ngành và chuyên gia công nghệ. Cạnh đó, đẩy mạnh trang bị các công cụ tiếp cận ứng dụng số như smartphone cho tầng lớp bình dân.

Sau cùng, lãnh đạo các địa phương cần ban hành chính sách kích cầu thông qua việc đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ CNTT, giới thiệu những nền tảng công nghệ số xuất sắc cho các doanh nghiệp, nhằm tăng tốc chuyển đổi số".

Là đơn vị triển khai, tư vấn chuyển đổi số hàng đầu, FSI cam kết đầu tư nguồn lực tốt nhất đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho chính địa phương, tư vấn và giới thiệu cho địa phương các giải pháp, các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số và công nghệ thông tin, phù hợp với thực tiễn, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội số.

Tại phiên chuyên đề và tọa đàm phiên hội thảo "Lãnh đạo địa phương: Hợp lực Chuyển đổi số", FSI giới thiệu đến các lãnh đạo cấp cao Bộ, ngành, địa phương giải pháp xây dựng kho dữ liệu dùng chung trên nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn - VLAKE.

Nền tảng VLAKE là data platform gồm 4 module "Lưu trữ; kết nối và tổng hợp dữ liệu; xử lý dữ liệu lớn và trực quan hóa dữ liệu. Điểm nổi bật trong VLAKE là việc ứng dụng công nghệ 4.0 cơ chế học máy Machine learning, học sâu Deep learning, AI,… giúp quá trình tạo lập cơ sở dữ liệu lớn trở nên nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí. Hệ thống sẽ hỗ trợ các cơ quan, đơn vị và khách hàng có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số.

Với kinh nghiệm đã thực hiện chuyển đổi số thành công trong nội bộ, cũng như tư vấn, triển khai số hóa, chuyển đổi số cho hơn 5500 đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, FSI nhận thấy, mục tiêu chuyển đổi số chính của các doanh nghiệp nói chung sẽ tập trung vào 3 yếu tố: Nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa quy trình làm việc, gia tăng tính năng cho sản phẩm.

Để giải giải quyết bài toán chuyển đổi số doanh nghiệp, FSI đã nghiên cứu và triển khai - Hệ thống tự động hoá doanh nghiệp WEONE giúp các quản trị và điều hành doanh nghiệp tinh gọn đơn giản, toàn diện trên một nền tảng, tối ưu hiệu quả quản lý và vận hành. WEONE tập trung giải quyết các bài toán cơ bản của doanh nghiệp bao gồm: Quản lý quy trình thủ tục, quản lý công việc, quản lý kho tài liệu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước