Hiệp ước về AI được thông qua tại hội nghị thường niên của Ủy ban Bộ trưởng EC, với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao của 46 quốc gia thành viên.
Trong một tuyên bố, EC cho biết, Công ước khung về trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra khung pháp lý đối với tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển và sử dụng các hệ thống AI, đồng thời giải quyết những rủi ro tiềm ẩn của Trí tuệ nhân tạo AI và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ một cách có trách nhiệm.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng, các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) cũng có thể tham gia hiệp ước này.
Tổng thư ký EC Marija Pejcinovic cho biết, Công ước khung về AI là hiệp ước toàn cầu đầu tiên bảo đảm rằng AI được sử dụng một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định luật pháp và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Theo EC, hiệp ước này yêu cầu các bên bảo đảm rằng hệ thống AI không được sử dụng để làm suy yếu các thể chế. Các yêu cầu về tính minh bạch và giám sát sẽ bao gồm việc xác định nội dung do AI tạo ra cho người dùng.
Công ước này là kết quả 2 năm làm việc của một cơ quan liên chính phủ, quy tụ 46 quốc gia thành viên của EC, EU và 11 quốc gia không phải thành viên EU - trong đó có Mỹ, cũng như đại diện của giới học giả. Dự kiến, Công ước khung về AI sẽ được ký kết tại một hội nghị của các bộ trưởng tư pháp EU ở thủ đô Vilnius của Litva vào tháng 9 tới.
Trước đó, tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua các quy tắc quản lý việc sử dụng AI, đặc biệt là các hệ thống AI đang thịnh hành như ChatGPT của công ty OpenAI (Mỹ).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!