Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, sau ngày 31/3 đã có 1,76 triệu SIM bị khóa một chiều vì chưa chuẩn hóa lại thông tin cá nhân theo quy định. Tính đến ngày 19/4, có hơn 27.000 thuê bao bị khóa hai chiều đã chuẩn hóa thông tin cá nhân. Con số này chỉ chiếm khoảng 2,35% số thuê bao bị khóa hai chiều đi chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Sau khi bị khóa liên lạc hai chiều, khách hàng có thể tiếp tục thực hiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao bằng cách đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch.Nếu thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều.
Các nhà mạng cho hay, sau thời điểm bị khóa thuê bao hai chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website hoặc ứng dụng của nhà mạng.
Mặc dù việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đang được thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, nhưng khách hàng phản ánh vẫn nhận được cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Để xử lý vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký công văn đề nghị các tỉnh, thành và các sở TT&TT thực hiện thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Bộ TT&TT yêu cầu các sở TT&TT làm việc, yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên. Bên cạnh đó sẽ thanh kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất.
Bộ TT&TT cũng yêu cầu các sở TT&TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động. Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, sẽ lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ, hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.
Đây là lần thứ 2 Bộ TT&TT nhắm đến thanh tra cái đại lý trên diện rộng. Trước đó, từ ngày 1/10/2019 - 20/11/2019, Bộ TT&TT đã thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Sau quá trình thanh tra, các Sở TT&TT đã xử phạt 12 chi nhánh và 21 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông với tổng số tiền là 417,25 triệu đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!