Khan hiếm nhân lực thiết kế vi mạch

Thúy Nga (Thời sự - thoisu@vtv.vn)-Thứ hai, ngày 13/10/2014 06:00 GMT+7

Hình minh họa

TP.HCM đang tập trung phát triển đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 2.000 kĩ sư và kĩ thuật viên thiết kế vi mạch.

Với vai trò là một đầu tàu kinh tế, một Trung tâm khoa học kỹ thuật ở khu vực phía Nam và cả nước,TP.HCM đang tập trung phát triển vào những ngành có hàm lượng chất xám cao. Theo đó, Thành phố đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ đào tạo khoảng 2.000 kĩ sư và kĩ thuật viên thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, điều này chỉ đáp ứng được phần nhỏ, bởi nhu cầu về nhân lực vi mạch còn cao hơn rất nhiều. Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực cho ngành này vẫn đang thiếu hụt trầm trọng.

TP.HCM là địa phương đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái từ khâu nghiên cứu, thiết kế đến thương mại hóa sản phẩm vi mạch. Thành phố cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch với công suất khoảng 1,8 tỉ con chip/năm.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Chương trình đang phát triển tốt. Nguồn nhân lực vừa làm vừa đào tạo”.

Đến thời điểm hiện tại, chương trình vi mạch của TP.HCM đang đi đúng định hướng đề ra. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam còn khá non trẻ, đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cần phải giải quyết. Một trong những thách thức đó là thiếu hụt nguồn nhân lực.

Để đào tạo một kĩ sư vi mạch, yếu tố thực hành rất quan trọng, nhưng hiện nay, cơ sở vật chất tạ Việt Nam phần nhiều vẫn chưa đáp ứng được. chi phí đào tạo ở nước ngoài lại rất lớn. Tình hình sẽ càng căng thẳng hơn nếu như tới đây, nhà máy đi vào hoạt động mà nguồn nhân lực vẫn chưa sẵn sàng.

Tại TP.HCM, hiện có khoảng 23 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch. Mỗi năm, các công ty này cần tuyển hơn 1.400 kĩ sư, chuyên viên vi mạch. Tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực đã gây khó khăn cho họ khi đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Hiện nay, việc đào tạo nhân lực ngành vi mạch chủ yếu tập trung ở Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM (gọi tắt là ICDREC). Mỗi năm, trung tâm đào tạo hơn 100 kĩ sư, chuyên viên vi mạch. Từ nay đến năm 2020, ICDREC dự kiến đào tạo khoảng 700 kĩ sư thiết kế. Tuy nhiên, con số đó chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu nhân lực cho ngành vi mạch.

Thạc sĩ Nguyễn Phú Quốc, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: “Để trở thành kĩ sư thiết kế vi mạch, các sinh viên sau khi tốt nghiệp phải trải qua khoảng 2 - 3 năm vừa làm vừa đào tạo vì ở các trường không có chuyên ngành chuyên sâu về ngành này”.

Vi mạch bán dẫn là một lĩnh vực khó, đòi hỏi người học phải có kiến thức nền tảng về khoa học và kỹ thuật. Vì vậy, để kiến tạo một đội ngũ nhân lực có thể tham gia sâu vào chuỗi công việc trọng yếu ở những tập đoàn điện tử, bán dẫn đa quốc gia, cần phải có những chương trình đào tạo nâng cao, chuyên sâu kết hợp thực hành trong những điều kiện, mô hình hiện đại.

Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch, Đại học  Quốc gia TP.HCM nói: “Chúng tôi hi vọng đạt được mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch TP.HCM.

Cũng theo thạc sĩ Ngô Đức Hoàng, để giải bài toán nguồn nhân lực vi mạch đang thiếu hụt trầm trọng, cần phải có thêm nhiều trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch như ICDREC. Ngành công nghiệp vi mạch phát triển sẽ góp phần giảm nhập khẩu, tăng sức mạnh cạnh tranh cho nền kinh tế và đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước