Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê quốc gia Mỹ cho thấy, trong tháng 2 nhập khẩu chip của nước này đã tăng 17% so với năm ngoái lên gần 4,9 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ châu Á chiếm 83% giá trị.
Đối với Việt Nam, trao đổi thương mại trong lĩnh vực này với Mỹ đã tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, lên gần 563 triệu USD. Việt Nam cũng là nước chiếm hơn 10% lượng chip nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.
Một số quốc gia khác có kim ngạch xuất khẩu chip sang Mỹ tăng mạnh là Ấn Độ, Campuchia và Thái Lan. Riêng Ấn Độ, giá trị xuất khẩu chip sang Mỹ tăng 34 lần so với năm ngoái, lên gần 152 triệu USD.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của sự chuyển dịch này là do chính quyền Mỹ đang ngày càng lo ngại việc phải phụ thuộc quá nhiều vào một số nhà cung cấp truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc để sản xuất những con chip hiện đại nhất.
Những số liệu mới công bố đang cho thấy Mỹ đã đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, thông qua việc dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ các thị trường truyền thống sang các thị trường mới nổi. Đây cũng là giải pháp để xử lý vấn đề khan hiếm chip tại Mỹ, vốn là một trong những nguyên nhân khiến giá cả một số mặt hàng liên quan tăng cao hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!