Năm 2019, trợ lý ảo AI sẽ ngày càng thân thiện với con người

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 27/12/2018 18:44 GMT+7

VTV.vn - Trong tương lai, trợ lý ảo AI sẽ thân thiện hơn, xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống con người không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam.

Trợ lý ảo AI năm 2019: Thông minh hơn, thân thiện hơn

Với sự đầu tư quy mô của các tập đoàn hàng đầu thế giới, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ nhanh. Những gì mà AI làm được cho con người đến lúc này thực sự đáng kinh ngạc so với vài năm trước.

Đơn cử như AI được sử dụng để trả lời câu hỏi hay yêu cầu đơn giản của khách hàng dưới dạng ChatBots (trả lời theo các cú pháp đã được định sẵn). Trên thế giới hiện nay, ChatBots cũng đang là phương tiện phổ biến để hỗ trợ khách hàng của nhiều doanh nghiệp. Trong lĩnh vực kinh doanh, AI cũng giúp các công ty tìm hiểu về khách hàng dựa trên lịch sử mua hàng hay truy cập web hay so sánh giữa các khách hàng với nhau.

Lĩnh vực trợ lý ảo đang là mối quan tâm lớn và tạo ra sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Kể từ năm 2011, khi Siri lần đầu tiên được tích hợp vào một chiếc smarphone, lĩnh vực trợ lý ảo áp dụng trí tuệ nhân tạo đã có nhiều bước tiến vượt bậc, mở ra một thời đại con người có thể giao tiếp với máy móc, thực hiện các tác vụ từ đơn giản đến phức tạp. Hiện nay, trên thế giới đã có khá nhiều trợ lý ảo nổi tiếng như Siri (Apple), Google Assistant (Google), Amazon Alexa (Amazon), Cortana (Microsoft).

Năm 2019, trợ lý ảo AI sẽ ngày càng thân thiện với con người - Ảnh 1.

Các thiết bị loa thông minh đang ngày càng phổ biến trên thế giới

Minh chứng rõ nét của sự phát triển trợ lý ảo là doanh thu hàng tỷ đô của các thiết bị loa thông minh. Theo thống kê của RBC Analyst, các thiết bị Google Home đã mang về cho gã khổng lồ về dịch vụ tìm kiếm này 3,4 tỷ USD vào năm 2018, lợi nhuận tăng tới 25%. Đến nay, Google đã bán được 52 triệu sản phẩm Google Home, trong đó có 43 triệu tại thị trường Mỹ. Trong khi đó, các thiết bị Echo của Amazon trang bị trợ lý ảo Alexa đang thống trị thị trường loa thông minh ở châu Âu. HomePod của Apple với trợ lý ảo Siri dù bị giới hạn về thiết bị tương thích nhưng vẫn đang là thiết bị loa thông minh số 3 trên thế giới.

Ngày nay, ngày càng có nhiều công ty công nghệ bắt đầu đưa trợ lý ảo vào các ứng dụng mobile hay website. Đây được đánh giá là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong năm 2019. Thông qua khả năng nhận thức và phân tích hội thoại của AI, con người sẽ có thể trò chuyện "thật" hơn với trợ lý ảo. Thậm chí, nhiều hãng công nghệ đang nghiên cứu thiết bị có khả năng phát hiện tâm trạng của con người dựa trên việc phân tích cảm xúc thông qua giọng nói và nét mặt. Các ChatBots hiện tại cũng đã có nhiều phản ứng hơn từ các yêu cầu của con người. Nhờ sự phát triển của AI, các trợ lý ảo trong tương lai còn có thể dự đoán trước hành động của con người để chủ động giao tiếp.

Cây bút của Directorsclub - Sam Heggie-Collins dự báo trong năm 2019, AI sẽ tiếp tục "trưởng thành". Việc áp dụng AI sẽ được chuyển dịch từ môi trường doanh nghiệp sang cuộc sống đời thường. Trợ lý ảo AI hay các công nghệ nhận thức khác sẽ thân thiện hơn, xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống con người.

Phát biểu trên tờ Forbes, chuyên gia công nghệ Bernard Marr dự báo trợ lý ảo AI sẽ được sử dụng để giúp con người nhiều công việc thiết thực: "Trong năm 2019, con người sẽ sử dụng trợ lý AI nhiều hơn để đặt lịch, lên kế hoạch hay đặt bánh pizza. Các dịch vụ sẽ ngày càng hữu ích khi các trợ lý ảo dự đoán hành vi và hiểu thói quen của con người hơn".

Thời gian qua, Google vẫn đang phát triển dự án Google Duplex về nhận diện giọng nói với mục tiêu tiến tới việc vượt qua phép thử Turing - bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính có thể đánh lừa được con người hay không. Trong khi đó, Microsoft cũng đã lên kế hoạch đưa AI vào Office 365 vào năm 2019. Ban đầu, các bài trình bày trên PowerPoint sẽ có khả năng tương tác với người xem tốt hơn với các thông điệp hay sử dụng dịch thuật, phụ đề tự động…

Năm 2019, trợ lý ảo AI sẽ ngày càng thân thiện với con người - Ảnh 2.

Google Duplex sẽ giúp các cuộc trò chuyện với trợ lý ảo thật hơn bao giờ hết

Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên về trợ lý ảo AI

Dù đang gây sốt tại Mỹ và châu Âu nhưng đối với người Việt, tất cả những công cụ trợ lý ảo như Siri, Google Assistant, Amazon Alexa, Cortana… đều chưa thể hiện được sức mạnh do vấn đề ngôn ngữ.

Phát triển được trợ lý ảo là một nhiệm vụ khó, trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo lại càng khó hơn và tạo ra được trợ lý ảo áp dụng trí tuệ nhân tạo giao tiếp bằng tiếng Việt chắc chắn là một thách thức to lớn. Hiện tại, dù đã từng có một vài công cụ trợ lý ảo bằng tiếng Việt cho người Việt nhưng đa phần mới dừng lại ở việc ChatBots chứ chưa thể xử lý ngôn ngữ tiếng Việt một cách tự nhiên.

Vừa qua, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên cho người Việt mang tên Ki-Ki. Trợ lý ảo này sẽ có khả năng nghe - hiểu - trả lời các yêu cầu của con người hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Năm 2019, trợ lý ảo AI sẽ ngày càng thân thiện với con người - Ảnh 3.

Ki-Ki là trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên cho người Việt

Trợ lí ảo là kết quả sau một thời gian "xông vào" kỉ nguyên AI của các kĩ sư Việt Nam. Ông Vương Quang Khải, đại diện Zalo chia sẻ, trong 1 năm qua, thành tựu lớn nhất của đơn vị này là xác định rõ con đường làm AI, trong đó trợ lí ảo là một trong 2 mũi nhọn quan trọng. Ki-Ki sẽ là nơi đơn vị này thử nghiệm các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực AI với khát vọng tạo ra sản phẩm AI hoàn thiện cho người Việt.

Về công nghệ đằng sau trợ lý ảo này, điều đầu tiên là phải phát triển khả năng nghe, nói, hiểu tiếng Việt cho Ki-Ki, tính năng nhận dạng (speech to text) và tổng hợp tiếng nói (text to speech) cho tiếng Việt.

Hệ thống hiểu ngôn ngữ tự nhiên (NLU - Natural Language Understanding) cũng sẽ giúp KiKi hiểu được các yêu cầu của người dùng (tức là nghe hiểu như người với người thay vì tra cứu theo cú pháp như Chatbot).

Hiện trợ lí ảo này có thể thực hiện các tác vụ quen thuộc như mở nhạc, đọc tin, gửi tin nhắn, tra cứu thời tiết, tra cứu kiến thức. Ki-Ki có khả năng hiểu được tiếng của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Giống các mô hình trợ lí ảo khác, kế hoạch sắp tới của Ki-Ki là tích hợp lên các thiết bị phần cứng như loa thông minh, phát triển thành công cụ tìm kiếm bằng giọng nói và tích hợp vào sản phẩm hiện nay của Zalo platform như Zing MP3, Zalo, Baomoi để phục vụ người dùng.

Tuy vậy, sản phẩm này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm Alpha. Để đi đến một trợ lí ảo hoàn thiện cho người Việt thì bài toán nhân sự là một thách thức không nhỏ. Đây cũng là thách thức chung cho ngành AI ở Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước