Nâng cao khả năng bảo mật cho hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng

P.V-Thứ ba, ngày 29/10/2024 14:38 GMT+7

VTV.vn - DF Cyber Defense không chỉ là nơi các đội thi phô diễn kỹ năng mà còn là dịp để các tổ chức tài chính củng cố hệ thống phòng thủ trước những mối đe dọa công nghệ mới nhất.

Tài chính, ngân hàng là lĩnh vực đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế. Giá trị tài sản trên không gian mạng của ngành tài chính, ngân hàng là rất lớn nên ngày càng trở thành mục tiêu chính của các chiến dịch tấn công mạng quy mô. Các sự cố mạng khi xảy ra có thể đe dọa khả năng phục hồi hoạt động của các tổ chức tài chính, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định tài chính vĩ mô nói chung.

Ngày 29/10, trong chuỗi sự kiện Smart Banking 2024, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức Chương trình diễn tập chủ động phòng thủ không gian mạng với tên gọi DF Cyber Defense. Chương trình có sự tham gia của gần 200 chuyên gia bảo mật, công nghệ đến từ gần 50 tổ chức tài chính, ngân hàng, chứng khoán tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia bảo mật, đây là một sân thi đấu bảo mật cấp cao để đội ngũ kỹ sư an toàn thông tin của các đơn vị có thể phát huy tối đa năng lực tấn công và phòng thủ của mình. Các thành viên tham dự diễn tập đều được nâng cao nhận thức, kiến thức mới, kỹ năng thực chiến về xử lý các tình huống, sự cố tấn công mạng. Diễn tập góp phần nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, năng lực công tác trên không gian mạng khi xử lý những sự cố, các vụ tấn công.

Trong bối cảnh an toàn, an ninh mạng đang trở thành thách thức sống còn đối với hệ thống tài chính ngân hàng trên toàn cầu, ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã diễn ra hơn 240 sự cố, tấn công vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chiếm khoảng 13,75 tổng số sự cố an ninh mạng được báo cáo.

Theo đó, Việt Nam không chỉ đối diện với những cuộc tấn công, xâm nhập đơn lẻ mà với những chiến dịch có tổ chức, quy mô lớn. Tội phạm mạng tận dụng trí tuệ nhân tạo để gia tăng tính phức tạp, khả năng tự động hóa và che dấu, đe dọa trực tiếp vào từng mắt xích của hệ thống, từ công nghệ đến con người.

Thời gian tới, Cục An toàn thông tin hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động diễn tập, tập trung xây dựng năng lực ứng phó và khả năng phục hồi linh hoạt của các hệ thống thông tin.

Báo cáo điều tra dữ liệu năm 2024 của Tập đoàn viễn thông Hoa Kỳ Verizon cho thấy, trong năm 2023, có hơn 3.340 sự cố bảo mật được báo cáo trong ngành tài chính trên toàn thế giới, tăng 83% so với năm 2022. Ông Lê Hoàng Chí Quang - quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - xác nhận, trong năm 2023, tình hình an ninh, an toàn thông tin mạng có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo trên không gian mạng toàn cầu.

Các vụ tấn công nặng bằng mã độc tống tiền nhằm vào các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam trong đó, nhiều tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là đích đến. Tấn công mạng không chỉ đe dọa đến tình hình chính trị, an ninh quốc gia, còn là mối đe dọa thường trực tới hoạt động của mọi cơ quan tổ chức, đặc biệt các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng - nơi được coi là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia.

Theo ông Lê Hoàng Chí Quang, diễn tập an ninh mạng thường xuyên giúp các tổ chức có thể chuyển từ biện pháp phòng vệ thụ động sang tích cực, chủ động phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin mạng, nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Rủi ro tấn công mạng bủa vây ngành tài chính, bảo hiểm Rủi ro tấn công mạng bủa vây ngành tài chính, bảo hiểm

VTV.vn - Từ người dùng bị lừa tiền cho tới các tổ chức tài chính, ngân hàng bị tấn công mạng, lĩnh vực này đang đứng trước thách thức trong việc bảo đảm an toàn thông tin (ATTT).


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước