Lỗ hổng trên bề mặt của Mặt Trời, còn được gọi là "lỗ nhật hoa", xuất hiện theo tần suất phụ thuộc vào chu kỳ hoạt động của Mặt Trời. Tuy nhiên, tàu vũ trụ Solar Dynamics Observatory của Cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) mới đây đã tuyên bố phát hiện một lỗ hổng khổng lồ trên bề mặt của Mặt Trời.
Thực chất lỗ hổng này không hoàn toàn là một lỗ thủng trên bề mặt của Mặt Trời. Lỗ hổng được hình thành do sự chênh lệch từ trường của Mặt Trời, tại khu vực có từ trường yếu hơn so với bình thường. Thay vì được giữ lại, từ trường của Mặt Trời thoát ra ngoài không gian tạo thành những cơn gió với tốc độ cao khiến cho một vùng khí quyển của Mặt Trời mở ra để những hạt năng lượng Mặt Trời thoát ra ngoài. Nhiệt độ của khu vực lỗ hổng thấp hơn so với các khu vực xung quanh và ánh sáng tại đây cũng mờ đi, tạo thành vùng tối khi theo dõi bằng kính thiên văn.
Các hạt năng lượng Mặt Trời thoát ra ngoài không gian từ các lỗ hổng trên bề mặt của Mặt Trời. Thông thường, những hạt năng lượng Mặt Trời không gây nguy hiểm tới Trái đất do từ trường của hành tinh xanh đã bảo vệ chính nó. Tuy nhiên, khi những hạt này thoát ra với số lượng lớn sẽ tạo thành những cơn bão Mặt Trời với cường độ mạnh, có thể khiến thông tin truyền tải từ vệ tinh và liên lạc vô tuyến với Trái đất bị gián đoạn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!