Nếu đang dùng smartphone, hãy cài ngay những ứng dụng phòng dịch này

Phi Long-Chủ nhật, ngày 20/06/2021 06:24 GMT+7

VTV.vn - Việc khai báo y tế điện tử và sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần giúp công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch diễn ra nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2666/QĐ-BYT về hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, người dân sở hữu điện thoại thông minh (smartphone) cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần nhằm hỗ trợ công tác quản lý, theo dõi y tế và phát hiện sớm ca bệnh phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các ứng dụng phục vụ việc khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần hiện nay gồm có: ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn, ứng dụng Bluezone, ứng dụng NCOVI.

Khai báo y tế

Ứng dụng VHD và tokhaiyte.vn đều là các công cụ giúp người dân khai báo y tế trực tuyến ngay trên điện thoại và các thiết bị di động thay vì phải trực tiếp tới cơ quan y tế khai báo.

Trong đó, ứng dụng VHD hỗ trợ người dân với các tính năng khai báo y tế khi nhập cảnh tại sân bay, cửa khẩu; khai báo y tế di chuyển nội địa; xem lại các tờ khai y tế đã tạo; quét mã QR...

Nếu đang dùng smartphone, hãy cài ngay những ứng dụng phòng dịch này - Ảnh 1.

Giao diện của ứng dụng VHD

Tokhaiyte.vn là nơi cung cấp và tạo ra mã QR cho các điểm kiểm dịch, cơ quan, trụ sở làm việc, khu công nghiệp, chung cư, trường học…với các tính năng như khai báo y tế (bắt buộc); khai báo y tế toàn dân; cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày với người dân trong khu vực cách ly (bắt buộc); ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng.

Nếu đang dùng smartphone, hãy cài ngay những ứng dụng phòng dịch này - Ảnh 2.

Giao diện của công cụ Tokhaiyte.vn

Cảnh báo khi phát hiện tiếp xúc gần

Ứng dụng Bluezone, do Bkav phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển, cho phép ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các smartphone cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Bằng cách này, ứng dụng có thể hỗ trợ truy vết những trường hợp F1, F2 tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 (F0).

Nếu đang dùng smartphone, hãy cài ngay những ứng dụng phòng dịch này - Ảnh 3.

Cách ứng dụng Bluezone phát hiện và cảnh báo khi tiếp xúc gần tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19

Ứng dụng cũng được bổ sung một số tính năng hữu ích khác như cho phép khai báo y tế toàn dân; quét mã QR; ghi nhận người đến, người đi tại các địa điểm công cộng; gửi bản tin thông báo đến người dùng; theo dõi, cảnh báo thông tin về sức khỏe người dùng...

Trong khi đó, NCOVI là ứng dụng chính thức của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm hỗ trợ người dân toàn quốc khai báo y tế tự nguyện, góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch COVID-19. Ứng dụng nổi bật vỡi các tính năng như khai báo thông tin sức khỏe của bản thân và gia đình mọi lúc, mọi nơi; nhanh chóng gửi phản ánh thông tin dịch bệnh COVID-19, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình sinh sống; cập nhật thống kê thông tin dịch bệnh COVID-19 nhanh chóng, chính thức từ Bộ Y tế; nhận khuyến cáo, hướng dẫn phòng tránh dịch bệnh một cách hiệu quả...

Nếu đang dùng smartphone, hãy cài ngay những ứng dụng phòng dịch này - Ảnh 4.

Giao diện của ứng dụng NCOVI

Các thông tin được khai báo y tế tự nguyện trên ứng dụng NCOVI giúp Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh quản lý được thông tin di chuyển của các trường hợp nhiễm bệnh hoặc phải cách ly theo quy định, phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy cơ nhiễm bệnh cũng như có được thông tin toàn cảnh về dịch bệnh để đưa ra các quyết định phù hợp.

Hướng dẫn cụ thể đối với từng đối tượng, địa điểm

Hướng dẫn của Bộ Y tế quy định cụ thể về địa điểm, thời điểm, đối tượng cài đặt và sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần.

Theo đó, người dân có smartphone cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người, người dân phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone và bật chế độ Bluetooth.

Đặc biệt, người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly sở hữu smartphone phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế VHD và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần dùng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để khai báo y tế và chịu trách nhiệm về những thông tin mình khai báo. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, người dân có thể dùng điện thoại quét mã QR tại điểm đó.

Trong lần đầu khai báo y tế điện tử, người dân cần khai báo tại một trong các ứng dụng khai báo y tế. Sau khi khai báo, người dân nhận mã QR của hệ thống tạo ra để phục vụ dùng khai báo y tế về sau.

Khi cần cập nhật khai báo y tế, người dân có thể khai báo/cập nhật thông tin trên web hoặc trực tiếp trên các ứng dụng. Ở những lần khai báo sau, người dân không phải khai báo lại các thông tin chung mà chỉ cần cập nhật thông tin về triệu chứng hay dịch tễ của 21 ngày gần nhất.

Theo Bộ Y tế, việc khai báo y tế điện tử, sử dụng ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần và kiểm soát người ra, vào các địa điểm công cộng bằng mã QR giúp phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước