Nhật Bản là quốc gia thường xuyên bị thiên tai đe dọa. Thảm họa kép động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 và trận động đất ở Kumamoto xảy ra vào tháng 4/2016 là những ví dụ mới nhất, cảnh báo người dân Nhật Bản về nguy cơ các trận động đất và sóng thần lớn có thể tái diễn trong tương lai. Sống trong môi trường nhiều áp lực như vậy, chính phủ và các công ty Nhật Bản đã nghĩ ra nhiều biện pháp đối phó và ngày nay ngành công nghiệp chống thảm họa thiên nhiên đã trở thành ngành công nghiệp lớn ở Nhật Bản.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương là nơi có các mảng kiến tạo không ổn định, Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều động đất nhất thế giới. Điều này đã thúc giục các công ty Nhật Bản phát triển nhiều kĩ thuật xây dựng có khả năng đứng vững trước các trận động đất quy mô lớn và các cơn sóng thần tiếp theo đó.
Công ty Giken tại tỉnh Kochi đã phát minh ra công nghệ đổ móng bằng trụ hình ống. Công nghệ này đã được kiểm chứng độ chắc chắn qua nhiều cuộc thử nghiệm và đã được ứng dụng trong nhiều công trình xây dựng từ năm 1970 trở lại đây.
Ông Hayashi Kimihiko, công ty Giken, cho biết: "Quy mô thị trường với công nghệ xây dựng mới rất lớn. Thảm họa thiên nhiên xảy ra thường xuyên ở Nhật Bản và nhiều nước khác nên nhu cầu xây dựng các công trình có khả năng trụ vững trước rung chấn địa chất và sức mạnh của sóng biển ngày càng được coi trọng".
Năm 2015, Nhật Bản đã đầu tư 414 tỷ USD vào lĩnh vực xây dựng. Ở những vùng có nguy cơ xẩy ra động đất, chính quyền địa phương đã đặt ra mục tiêu thay thế tất cả các căn nhà cũ thành các công trình xây dựng mới có khả năng chịu lực tốt. Những chính sách này sẽ làm gia tăng quy mô ngành công nghiệp chống thảm họa thiên nhiên và thúc đẩy sự phát triển hơn nữa công nghệ xây dựng ở Nhật Bản.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!