Trong những năm gần đây, sách nói đang trở thành xu hướng mới của độc giả trên toàn thế giới khi ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp nhờ vào những phát triển không ngừng của công nghệ. Đây cũng được coi là dạng sách có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam, đặc biệt khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên số.
Khi đi bộ hay lúc quét nhà, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có cài sẵn ứng dụng sách nói, người dùng có thể thưởng thức cuốn sách mình yêu thích mọi lúc mọi nơi. Trong cuộc sống ngày càng trở nên gấp gáp, sách nói cho phép độc giả vừa có thể nghe sách, vừa làm những công việc khác.
Theo dự báo của Deloitte, trong năm 2020, tiêu thụ sách nói toàn cầu sẽ tăng 25% so với 2019 và đạt giá trị 3,5 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định rằng, tiềm năng phát triển mô hình sách này là rất lớn bởi sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động như điện thoại thông minh cho phép việc phát hành và tiếp cận với sách nói trở nên dễ dàng hơn.
Trong báo cáo của Waka năm 2019, mảng sách nói dù chưa phải mảng tập trung nội dung chính, tuy nhiên, trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 200.000 lượt người nghe, trong khi lượng sách nói trong kho của Waka chỉ chiếm 1 - 2%.
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất sách nói Việt Nam vẫn đang tiếp tục từng bước cải thiện dịch vụ, chất lượng sản phẩm để phát triển thị trường này. Có thể kể đến việc đa dạng hóa các thể loại sách, tạo ra những không gian nơi người dùng có thể tương tác với nhau hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất.
Cùng chung với xu thế của thế giới, thói quen đọc của độc giả Việt Nam cũng đang có những chuyển dịch sang việc sử dụng các thiết bị di động. Và sự hưởng ứng của độc giả đối với việc phát hành sách nói trong thời gian gần đây sẽ là tiền đề để sách nói sẽ tìm được chỗ đứng trong thị trường sách Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!