Vệ tinh mang tên LignoSat, có kích thước nhỏ gọn, tương đương lòng bàn tay, được làm từ gỗ Honoki - loại gỗ nổi tiếng về độ bền và khả năng chống nứt gãy.
Tên gọi "LignoSat" được lấy từ "ligno" trong tiếng Latin có nghĩa là "gỗ" và "sat" viết tắt cho "satellite" nghĩa là vệ tinh. Mục tiêu chính của vệ tinh là chứng minh khả năng ứng dụng của vật liệu tái tạo này trong các hoạt động lâu dài ngoài không gian.
Đây là kết quả hợp tác giữa Đại học Kyoto và Tập đoàn xây dựng Sumitomo Forestry. Vệ tinh được đưa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) qua một chuyến bay của SpaceX, trước khi được phóng vào quỹ đạo ở độ cao khoảng 400 km từ Trái đất.
Theo các nhà nghiên cứu, vệ tinh gỗ có thể chịu đựng tốt hơn trong không gian so với trên Trái đất vì môi trường vũ trụ không có nước hay oxy để làm phân hủy hay gây cháy. Hơn nữa, khi hết tuổi thọ, vệ tinh gỗ có thể giảm thiểu tác động môi trường so với các vệ tinh kim loại truyền thống, vốn cần phải quay trở lại khí quyển để tránh trở thành rác thải vũ trụ. Khi đó, vệ tinh kim loại thường tạo ra các hạt ôxít nhôm, trong khi vệ tinh gỗ sẽ tự cháy hoàn toàn, với ít ô nhiễm hơn.
LignoSat dự kiến sẽ lưu lại trên quỹ đạo trong 6 tháng để thử nghiệm khả năng chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt, dao động từ -100 đến 100 độ C trong chu kỳ 45 phút.
Các nhà nghiên cứu hy vọng, việc sử dụng gỗ cho vệ tinh sẽ là giải pháp thân thiện hơn cho các sứ mệnh trong tương lai lên mặt trăng và sao Hỏa bởi gỗ ít gây ô nhiễm hơn kim loại trong quá trình phân hủy khi vệ tinh rơi trở lại khí quyển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!