Những "công bộc số" đã giúp TP Hồ Chí Minh thay đổi như thế nào?

Chuyển động 24h-Thứ năm, ngày 07/01/2021 14:50 GMT+7

VTV.vn - Cứ 5 năm lại có thêm 1 triệu dân, do đó, TP Hồ Chí Minh buộc phải trở thành một đô thị thông minh để quản lý xã hội và phục vụ người dân.

Những robot thay thế con người, những giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang xuất hiện ngày càng nhiều để giúp chính quyền giải quyết công việc hiệu quả hơn. Người dân gọi đó là những "công bộc số".

Robot thay thế con người thực hiện những nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp

Để có một hình ảnh tượng trưng cho các "công bộc số", không gì trực quan hơn là những chú robot. Tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã có một số cơ quan đơn vị thí điểm các robot lễ tân, chỉ đường, tra cứu thông tin đặt tại nơi tiếp dân. Tuy nhiên, đặc biệt hơn cả là trong các lĩnh vực đặc thù như y tế hoặc phòng cháy chữa cháy, những con robot hiện đại, có thể điều khiển từ xa hoặc làm việc tự động trong môi trường đặc biệt đã bắt đầu được đưa vào vận hành một cách hiệu quả.

Tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông, một robot chuyên khử khuẩn mang tên SWAN 01 được triển khai để thay con người. Robot này được tạo ra bởi yêu cầu đặc biệt trong cuộc chiến chống COVID-19, có thể thay con người vào tất cả các môi trường cách ly để phun khử khuẩn. Robot được điều khiển từ xa hàng trăm mét, không sợ nhiễm bệnh, được lắp cảm ứng khắp người để có thể tự quét nhằm nhận diện bản đồ phòng bệnh và tự di chuyển. Robot đã có mặt ở ít nhất 3 bệnh viện lớn của TP Hồ Chí Minh và đã giúp rất nhiều y tá bác sĩ không phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường dễ lây nhiễm bệnh.

Những công bộc số đã giúp TP Hồ Chí Minh thay đổi như thế nào? - Ảnh 1.

Robot khử khuẩn SWAN 01

Theo anh Huỳnh Ngọc Cương - Trưởng phòng kế hoạch Trung tâm CNTT - Bệnh viện Quân dân y miền Đông TP Hồ Chí Minh, SWAN 01 sử dụng một radar để quét và tự nhận diện bản đồ, có thể đặt hẹn tự động phun khử khuẩn theo giờ bất kỳ.

Trong khi đó, tại Phòng cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn TP Hồ Chí Minh, một robot chữa cháy mang tên ITM được trang bị với nhiệm vụ như một chiến sĩ PCCC. Robot được sản xuất tại Đức, được điều khiển từ xa, có thể phun được cả bọt và nước để chữa cháy. ITM có thể tự hành vào chữa cháy ở những khu vực nhỏ hẹp, nguy hiểm độc hại như đám cháy hóa chất, xăng dầu hay trong hầm... nơi xe chữa cháy và con người không thể tiếp cận được.

Những công bộc số đã giúp TP Hồ Chí Minh thay đổi như thế nào? - Ảnh 2.

Robot chữa cháy ITM

Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi đã sử dụng robot này chữa nhiều đám cháy phức tạp mà lực lượng chữa cháy không thể vào được và thực tế thì nó đã chữa cháy rất hiệu quả".

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch vụ hành chính công

Trên thực tế, việc ứng dụng robot là khá tốn kém và không quá phổ biến. Nhưng những phần mềm, giải pháp công nghệ thông minh đã được ứng dụng rất nhiều ở các cơ quan Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi đây cũng là những "công chức ảo" vì tuy là công cụ, không có dáng vóc vật lý nhưng chúng được tích hợp trí tuệ nhân tạo, có khả năng giải quyết một phần công việc hành chính hết sức hiệu quả chẳng kém gì các công chức truyền thống. Mục tiêu vĩ mô của "Chính quyền điện tử", "đô thị thông minh" được Tp Hồ Chí Minh bắt đầu từ việc làm sao giải quyết nhanh chóng, hiệu quả những yêu-cầu cụ thể hàng ngày của người dân.

Một ví dụ cụ thể là Quận 12, TP Hồ Chí Minh vừa triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý GIS và trí tuệ nhân tạo để quản lý trật tự xây dựng. Hệ thống này dùng một bản đồ không ảnh, được chụp từ các thiết bị không người lái hoặc ảnh vệ tinh, với độ phân giải đến hàng chục centimet. Việc chụp ảnh có thể theo chu kỳ hàng tháng hoặc tùy chọn.

Các bản đồ khu dân cư này, sau đó kết hợp với bản đồ địa chính, được hiển thị màu vàng, chính xác đến từng thửa đất. Từ đó có thể thấy ngay các thửa chưa được cấp giấy phép xây dựng, như các khoanh màu đỏ. Trí tuệ nhân tạo sẽ phân tích, giải đoán ảnh chụp giữa các chu kỳ để tự động phát hiện các công trình trái phép.

Ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND Quận 12 - TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin càng nhiều thì nó càng công khai minh bạch, tránh được tiêu cực, tránh được vòi vĩnh tránh phiền hà cho người dân".

Những thành tựu chuyển đổi số đã đạt được

Khoa học công nghệ chỉ là phương tiện, tất cả vẫn phụ thuộc vào con người. Nhưng ít nhất, công nghệ giúp mọi thứ minh bạch và nhanh chóng hơn. Thành quả lớn nhất của TP Hồ Chí Minh khi ứng dụng các giải pháp công nghệ, chính là những đột phá về cải cách thủ tục hành chính.

Cụ thể, TP Hồ Chí Minh hiện đã đưa lên mạng 52 thủ tục hành chính điện tử một cửa và hơn 4.600 loại thủ tục hành chính ở cấp độ 2, có thể làm qua mạng một nửa công đoạn. Nhiều thủ tục rất thường gặp như cấp phép thi công, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn thực phẩm... chỉ cần vào trang web để tra cứu là sẽ có đầy đủ.

Chỉ trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 1,8 triệu hồ sơ được người dân gửi trực tuyến qua mạng. Tỷ lệ giải quyết các loại hồ sơ đạt 99,3%. Đối với đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2020, có một nửa số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp người dân không cần đến cơ quan Nhà nước mà ngồi nhà gửi qua mạng. Con số làm tròn là hơn 157 nghìn hồ sơ.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố đã cơ bản số hóa dữ liệu hộ tịch cho người dân. Mục tiêu là các thông tin như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bản sao chứng nhận kết hôn, đăng ký kinh doanh... của người dân sẽ được số hóa và lưu trữ vào kho dữ liệu chung. Điều này đồng nghĩa với việc là một thời gian ngắn nữa thôi, mỗi lần người dân cần làm thủ tục khi đến cơ quan công quyền chỉ cần khai các thông tin trên một lần, sau này không cần khai lại vì mọi thứ đã được lưu trữ sẵn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước