Trí tuệ nhân tạo (AI) được phát minh để phục vụ cuộc sống con người tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, lợi dụng những tính năng ưu việt của AI, nhiều tổ chức tội phạm công nghệ cao lại đang sử dụng AI vào những mục đích phi pháp.
Chiến dịch quảng cáo gây sốc do công ty viễn thông Đức Deutsche Telekom thực hiện cảnh báo về hậu quả tiềm tàng khi cha mẹ đăng ảnh con cái lên mạng. Phiên bản Deepfake trưởng thành hơn được tạo ra từ bức ảnh của bé gái 9 tuổi mà cha mẹ em đã chia sẻ trên mạng xã hội. Đoạn video cho thấy cách mà hình ảnh của trẻ em có thể bị thao túng dễ dàng bằng trí tuệ nhân tạo.
Việc lợi dụng Deepfake để lừa đảo, lan truyền thông tin sai lệch, thao túng dư luận chỉ là một vài trong số nhiều thách thức mà trí tuệ nhân tạo đặt ra đối với đời sống con người. Với khả năng thu thập và xử lý lượng lớn dữ liệu, trí tuệ nhân tạo cũng có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư, gây ra các nguy cơ về lừa đảo, sử dụng sai mục đích.
Tự động hóa do trí tuệ nhân tạo điều khiển có khả năng dẫn đến mất việc làm ở nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là với những lao động tay nghề thấp. Những người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, thiết kế đồ họa, những người chuyên sáng tạo nội dung như các nhà biên kịch, các biên tập viên cũng cảm thấy bị đe dọa.
Không chỉ kéo giãn khoảng cách thu nhập, trí tuệ nhân tạo còn có thể khuếch đại những bất bình đẳng xã hội hiện có bằng cách nhúng các thành kiến vào các thuật toán và dữ liệu. Những thành kiến này có thể tồn tại trong dữ liệu đào tạo của hệ thống trí tuệ nhân tạo do ý kiến chủ quan hoặc sở thích của người tạo ra.
Sự phát triển của hệ thống trí tuệ nhân tạo siêu thông minh vượt trội hơn trí tuệ con người đặt ra mối lo ngại lâu dài cho nhận loại. Việc tạo ra một thực thể trí tuệ nhân tạo có khả năng suy nghĩ vượt trội có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!