Trong dịch COVID - 19, làm việc từ xa trở thành lựa chọn mang tính bắt buộc. Bối cảnh mới cần đến những kỹ năng mới và cũng nảy sinh những vấn đề mới: từ thiết bị, đường truyền internet với dung lượng băng thông đáp ứng yêu cầu, cho đến các ứng dụng, phần mềm đáp ứng nghiệp vụ và thuận tiện cho việc trao đổi... Ngoài ra, cần đảm bảo để các cá nhân, các bộ phận có thể tương tác với nhau và với môi trường lao động quen thuộc, hay khả năng truy cập vào các không gian chứa tài nguyên chung... Nhưng tất cả sẽ trở thành thảm họa nếu thiếu sự an toàn.
"Được an toàn và cảm thấy an toàn cho phép chúng ta làm được nhiều hơn, sáng tạo hơn và tin tưởng hơn vào công nghệ kết nối tất cả chúng ta", ông Vasu Jakka - Phó Chủ tịch phụ trách Bảo mật, Tuân thủ và Danh tính của Microsoft chia sẻ.
Cách tiếp cận mới cho những vấn đề bảo mật doanh nghiệp
Trong năm qua, các tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới đã phải đối mặt với nhiều thách thức không thể dự đoán trước. Hầu hết trong các trường hợp đó, họ phải nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc hybrid work mới, với độ phức tạp và phạm vi của các mối đe dọa ngày càng gia tăng, cũng như trong bối cảnh nền kinh tế và toàn cầu bất ổn.
Đáng nói, trong bối cảnh làm việc từ xa hoặc môi trường hybrid work, các nhân viên là một trong những lỗ hổng an ninh lớn nhất của doanh nghiệp. Theo một khảo sát do Kaspersy thực hiện gần đây, hơn một nửa số doanh nghiệp cho rằng các rủi ro an ninh mạng của họ bắt nguồn từ nội bộ. Cùng đó, ba e ngại hàng đầu về bảo vệ an ninh mạng của một doanh nghiệp đều liên quan đến người lao động hoặc lỗi của con người, bao gồm: chia sẻ dữ liệu không phù hợp qua thiết bị di động (47%); đánh mất thiết bị di động khiến tổ chức gặp rủi ro (46%); người lao động sử dụng tài nguyên CNTT không phù hợp (44%).
Giải quyết vấn đề này, Microsoft đã nhiều lần đề cập đến việc thiết lập lại bảo mật, danh tính và tuân thủ. Theo đó, hãng cho rằng bảo mật không phải là "áp" một hệ thống tiêu chuẩn từ bên ngoài vào, mà các thành phần của hệ thống bảo mật (an ninh mạng, danh tính và tuân thủ...) cần phải được tích hợp chặt chẽ ngay trong các sản phẩm và nền tảng mà doanh nghiệp đang sử dụng, từ đó đảm bảo sự liền mạch trong việc quản lý truy cập an toàn, bảo mật dữ liệu, đáp ứng các yêu cầu quy định và bảo vệ khỏi các mối đe dọa.
Siemens và "bài toán" làm việc từ xa an toàn, linh hoạt hơn
Siemens – một "tên tuổi" trong làng công nghệ thế giới, có khoảng hơn 140.000 nhân viên, phân bố tại hơn 125 địa điểm trên 43 quốc gia, làm việc tại nhà hoặc tại một địa điểm khác bên ngoài văn phòng từ 2 đến 3 ngày một tuần đã trở thành thông lệ tiêu chuẩn tại Siemens.
Khi Covid-19 bùng phát và các nhân viên của hãng buộc phải làm việc tại nhà, nhu cầu liên lạc từ xa tăng đột biến, Siemens đã triển khai Microsoft Teams "thần tốc" để cung cấp giải pháp cộng tác, họp, gọi điện, chia sẻ thông tin thời gian thực có khả năng mở rộng và đáng tin cậy.
Trước đó, trong hơn một thập kỷ, các nhân viên của Siemens chỉ sử dụng giải pháp liên lạc tại chỗ (on-premise). Năm 2020 chứng kiến một quyết định chiến lược, khi hãng chuyển sang đám mây với Microsoft 365 và sử dụng Teams làm nền tảng cộng tác chính của công ty như một phần của sự chuyển đổi đó.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu bảo mật một cách chặt chẽ, Siemens đã sử dụng bộ giải pháp bảo mật điểm cuối Microsoft Endpoint Manager để quản lý từ xa các thiết bị được sử dụng cho công việc, bao gồm điện thoại, máy tính bảng và laptop, của nhân viên. Đây là giải pháp bảo mật điểm cuối toàn diện, triển khai trên nền tảng đám mây, với khả năng quản lý và đánh giá các lỗ hổng dựa trên rủi ro, từ đó giảm mức độ tấn công bề mặt cũng như tự động điều tra và khắc phục.
"Khi ai đó mở Teams trên điện thoại cá nhân của họ lần đầu tiên, họ sẽ được nhắc cài đặt Microsoft Intune và định cấu hình các cài đặt cần thiết để đảm bảo tất cả dữ liệu công ty của chúng tôi luôn ở trong tay người Siemens" - Tiago Charréu, Trưởng nhóm triển khai Microsoft Teams toàn cầu của Siemens, cho biết.
Nhờ bộ phận CNTT lập kế hoạch nhanh chóng và triển khai Teams minh bạch, rõ ràng, nhân viên của Siemens đã duy trì mức năng suất bình thường của họ khi chuyển sang Teams để làm việc tại nhà.
"Chúng tôi bắt đầu với 41 sự kiện trực tiếp Teams trong tháng đầu tiên và nhanh chóng tăng lên đến gần 1.500 sự kiện trực tiếp trong quý cuối cùng của năm 2020" - Tiago Charréu cho chia sẻ thêm.
Với 200 phòng đang được sử dụng hiện nay và khoảng 2.000 phòng được lên kế hoạch vào cuối năm, các kỹ thuật viên phòng họp có thể tiết kiệm được khá nhiều thời gian khi không phải giám sát thiết bị và xử lý sự cố, thay vào đó tập trung vào các ưu tiên kinh doanh cốt lõi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!