Ông chủ Facebook lên tiếng giữa tâm bão bê bối dữ liệu, thừa nhận mắc sai lầm

Thùy An-Thứ năm, ngày 22/03/2018 07:17 GMT+7

Ảnh: USA Today

VTV.vn - Lần đầu tiên sau khi bê bối liên quan đến việc chia sẻ thông tin người dùng, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã chính thức lên tiếng .

Đêm qua theo giờ Việt Nam, lần đầu tiên sau khi vụ bê bối liên quan đến việc chia sẻ thông tin người dùng của Facebook được phát giác gây xôn xao dư luận, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã chính thức lên tiếng thừa nhận trách nhiệm và vạch ra các biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. 

Phát biểu trong một tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của mình, Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, thừa nhận Facebook đã mắc sai lầm trong việc chuyển giao dữ liệu của 50 triệu người dùng cho Công ty Cambridge Analytica. 

Ông chủ Facebook lên tiếng giữa tâm bão bê bối dữ liệu, thừa nhận mắc sai lầm - Ảnh 1.

Mark Zuckerberg phá vỡ im lặng sau vụ bê bối thổi bay nhiều tỷ USD của Facebook

"Chúng tôi có trách nhiệm phải bảo vệ thông tin và dữ liệu về các bạn. Nếu chúng tôi không làm được điều này chúng tôi không xứng đáng để phục vụ cộng đồng. Tôi đã lần lại mọi thứ để hiểu chính xác việc gì đã xảy ra và đảm bảo rằng mọi thứ không diễn ra một lần nữa. Tin tốt là phần lớn những việc cần làm để ngăn chặn một vụ việc tương tự đã được thực hiện từ những năm trước. Nhưng chúng tôi đã mắc sai lầm. Có nhiều việc phải làm hơn và chúng tôi cần phải làm những việc đó", Mark Zuckerberg phát biểu trên tài khoản cá nhân. 

Tường thuật lại vụ việc, ông của Facebook cho biết, vào năm 2013, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge tên là Aleksandr Kogan đã tạo ra một ứng dụng câu đố. Ứng dụng này được cài đặt bởi khoảng 300.000 người trong đó người cài đặt đã chia sẻ dữ liệu của cá nhân và bạn bè mình. "Theo cách mà nền tảng của chúng tôi làm việc vào thời điểm này, Kogan đã có thể truy cập vào dữ liệu bạn bè của những người cài đặt", Mark cho hay.

Vào năm 2014, để ngăn chặn việc này, Facebook đã thay đổi nền tảng công nghệ, nhằm hạn chế tối đa việc các ứng dụng có thể thu thập dữ liệu người dùng. 

Mark cho biết, vào năm 2015, Facebook nhận được phản ánh từ tờ The Guardian rằng Kogan đã chia sẻ dữ liệu từ ứng dụng của mình với công ty Cambridge Analytica. Facebook ngay lúc đó gỡ ứng dụng của Aleksandr Kogan ra khỏi nền tảng của mình, đồng thời yêu cầu Aleksandr Kogan và Cambridge Analytica xác nhận rằng họ đã xóa tất cả dữ liệu không hợp lệ. Mark cho hay, Aleksandr Kogan và Cambridge Analytica vào thời điểm đó đã xác nhận rằng, dữ liệu đã bị xoá.

Vào tuần trước, một số tờ báo như The Guardian, The New York Times và Channel 4 lên tiếng cho hay Cambridge Analytica có thể đã không xóa dữ liệu thu thập từ trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc dữ liệu của khoảng 50 triệu người đã bị lợi dụng. 

Lúc này, Facebook đã cấm Cambridge Analytica không được sử dụng nền tảng Facebook,  đồng thuê kiểm toán để xác thực việc công ty này có xoá các dữ liệu người dùng hay không. 

Ông chủ Facebook lên tiếng giữa tâm bão bê bối dữ liệu, thừa nhận mắc sai lầm - Ảnh 2.

Aleksandr Kogan và khủng hoảng của chia sẻ dữ liệu của Facebook

Bên cạnh việc tường thuật lại vấn đề để người dùng hiểu rõ, ông chủ Facebook cũng tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai 3 biện pháp bổ sung, cụ thể:

Thứ nhất, điều tra tất cả những ứng dụng đã tiếp cận kho dữ liệu của mình trước khi Facebook thay đổi công nghệ vào năm 2014 để phát hiện những hành vi nghi vấn.

Thứ hai là hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận dữ liệu của các nhà phát triển ứng dụng, như loại bỏ quyền được tiếp cận dữ liệu người dùng nếu người dùng đó không sử dụng trong vòng 3 tháng.

Và thứ ba là triển khai công cụ mới trên nền tảng News Feed để giám sát ứng dụng mà người dùng sử dụng nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận dữ liệu người dùng của ứng dụng đó.

Ông chủ Facebook lên tiếng giữa tâm bão bê bối dữ liệu, thừa nhận mắc sai lầm - Ảnh 3.

Tuyên bố của Mark Zuckerberg được đưa ra 5 ngày sau khi vụ bê bối liên quan đến dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook bị phát giác, khiến các nhà lập pháp của cả Mỹ và Anh đều phải lên tiếng yêu cầu ông chủ Facebook ra điều trần; làm Facebook mất đi nhiều tỷ USD Mỹ trên sàn chứng khoán.

Scandal chia sẻ dữ liệu của Facebook bắt đầu khi các tờ báo tại Anh và Mỹ cho biết thông tin cá nhân của khoảng 50 triệu người dùng Facebook đã bị công ty phân tích dữ liệu và tư vấn chính trị có trụ sở tại London Cambridge Analytica sử dụng mà không được sự cho phép của người dùng.

Cambridge Analytica bị cáo buộc đã dùng thông tin cá nhân của 50 triệu khách hàng mà hãng này có được từ Facebook để can thiệp, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và cả cuộc trưng cầu dân ý Brexit về việc nước Anh rời khỏi châu Âu.

Các bên liên quan gồm cả Facebook và Cambridge Analytica đều vẫn đang bác bỏ các cáo buộc rằng họ cố tình vi phạm quyền bảo mật thông tin khách hàng.

Tuy nhiên, giám đốc Điều hành của Cambridge Analytica đã tạm thời bị đình chỉ công việc sau vụ việc trên. Trong khi đó, tài sản của Facebook ước tính đã "bốc hơi" khoảng 50 tỷ USD sau ít ngày vụ việc bị phanh phui. Cùng với đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ mở một cuộc điều tra liên quan đến Facebook liệu có vi phạm các điều khoản về bảo vệ sự riêng tư của người dùng trên mạng xã hội hay không.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước