Gần đây nhất là tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền với công ty cổ phần chứng khoán VNDirect và Tổng công ty Dầu Việt Nam PVOIL. Cách thức phòng chống tấn công hiệu quả là chủ đề của toạ đàm do Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia chủ trì tổ chức chiều 5/4 tại Hà Nội.
Lâu nay, các đơn vị thường đầu tư tới 80% vào công nghệ để ngăn chặn tấn công, chỉ 15% vào hệ thống giám sát và khoảng 5% cho phản ứng khi xảy ra sự cố, nên khi bị tấn công, hầu hết đều lúng túng, dẫn tới tình trạng "dẫm chân" nhau giữa các đơn vị ứng cứu, giải quyết không hiệu quả. Theo các chuyên gia, cần áp dụng biện pháp phòng chống theo hướng hiện đại, chia đều tỷ lệ đầu tư ở các hạng mục: ngăn chặn, giám sát và phản ứng.
Đặc biệt việc triển khai rà quét, sao lưu dữ liệu cũng phải tiến hành 2 - 3 lần/năm, đảm bảo dữ liệu quan trọng kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu….
Để xử lý sự cố hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo, các đơn vị bị tấn công phải ngay lập tức báo cho cơ quan chức năng thay vì tự loay hoay tìm cách tự khắc phục như hiện nay. Trong lúc chờ đơn vị chuyên môn đến ứng cứu, các đơn vị tạm thời xử lý đúng cách những việc đơn giản nhất như rút phích cắm điện, cách ly nguồn nhiễm mã độc.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, hiện sáng kiến quốc tế về chống mã độc tống tiền do Mỹ khởi xướng đã đưa ra một tuyên bố chính sách chung giữa các nước, trong đó kêu gọi các nạn nhân không trả tiền chuộc cho tin tặc, nếu không sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, đặc biệt nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!