Số hóa và kết nối: Xu hướng phát triển của ngành thư viện Việt Nam

PV-Thứ bảy, ngày 04/11/2017 17:35 GMT+7

Ảnh: fondazionefeltrinelli.it

VTV.vn - Xây dựng kho tài nguyên số đang được xem là xu hướng phát triển của thư viện hiện đại, đặc biệt khi thói quen và phương thức tiếp nhận thông tin của xã hội thay đổi.

Mới đây một hội thảo rất đáng chú ý của ngành thư viện với chủ đề "Xây dựng học liệu mở nội sinh dùng chung trong các thư viện đại học Việt Nam" đã diễn ra. Xây dựng kho tài nguyên số và kết nối giữa các thư viện là một nội dung rất đáng chú ý trong hội thảo lần này.

Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến đóng góp đều tập trung vào việc đưa ra giải pháp để kết nối và chia sẻ nguồn học liệu số nội sinh giữa các thư viện đại học Việt Nam, làm thế nào để vừa tuân thủ những quy định của pháp luật về quyền tác giả vừa giúp bạn đọc khai thác được những tài nguyên số có giá trị mà các thư viện đã mất nhiều nỗ lực và ngân sách để sưu tập.

Số hóa và kết nối: Xu hướng phát triển của ngành thư viện Việt Nam - Ảnh 1.

Số hóa và kết nối được xem là xu hướng phát triển của ngành thư viện Việt Nam (Ảnh: odishasuntimes.com)

Cũng trong hội thảo, Trung tâm Thông tin thư viện – ĐHQG Hà Nội (LIC) đã giới thiệu cổng tìm kiếm tích hợp kho tài nguyên số nội sinh của thư viện 4 trường đại học Việt Nam và Singapore, từ đó đưa ra mô hình kết nối với các trường khác trong tương lai.

Hiện tại LIC đã xây dựng được một kho tài liệu số gồm 50.000 tài liệu có giá trị khoa học cao, bao trùm tất cả các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu tại ĐHQG Hà Nội. Hàng năm kho tài nguyên nội sinh này gia tăng thêm từ 8.000 đến 10.000 tài liệu mới, là các đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án, sách của nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội, kỷ yếu các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Để giúp sinh viên và cán bộ của ĐHQG Hà Nội khai thác hiệu quả kho tài nguyên số này, LIC đang triển khai sử dụng giải pháp phần mềm Bookworm của công ty Tinh Vân.

Đây là là ứng dụng mượn và đọc sách điện tử dành cho bạn đọc thư viện, có thể cài đặt trên mọi thiết bị khác nhau như máy tính, tablet và điện thoại thông minh, giúp họ truy cập và khai thác kho tài nguyên nội sinh của trường một cách thuận tiện mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, Bookworm cũng là giải pháp để thư viện đóng gói và quản lý các tài nguyên số nội sinh, quy định chính sách mượn trả, bảo vệ bản quyền số cho tài liệu và chia sẻ chúng với các thư viện khác.

Số hóa và kết nối: Xu hướng phát triển của ngành thư viện Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Phạm Thúc Trương Lương giới thiệu về giải pháp thư viện số Libol Digital và Bookworm tại Hội thảo

"Sự dịch chuyển của thư viện sang môi trường số trực tuyến mang tính sống còn để tổ chức này duy trì được vai trò là kênh cung cấp tri thức quan trọng cho bạn đọc. Nhưng cần đảm bảo quyền lợi của cả độc giả, thư viện cũng như của tác giả và nhà xuất bản khi tài liệu được khai thác ở dạng số. Nói đơn giản, giải pháp công nghệ phải giúp hoạt động mua sắm, mượn trả sách điện tử của thư viện giống như sách giấy", ông Phạm Thúc Trương Lương, đại diện cho công ty Tinh Vân cho biết khi trình bày về giải pháp thư viện số Libol Digital và Bookworm cũng như khả năng công cụ này hỗ trợ việc xây dựng kho tài liệu nội sinh dùng chung.

Hội thảo "Xây dựng học liệu mở nội sinh dùng chung trong các thư viện đại học Việt Nam" được tổ chức bởi Liên Chi hội Thư viện Đại học Khu vực phía Bắc (NALA) và Đại học Quang Trung (Bình Định).

Hội thảo có sự góp mặt của hơn 50 đại biểu đến từ thư viện các trường đại học không chỉ ở khu vực phía Bắc mà còn ở cả miền Trung và TP.HCM, cùng lãnh đạo Hội Thư viện Việt Nam, thư viện quốc gia, thư viện tỉnh thành và một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp CNTT trong lĩnh vực thư viện.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước