Sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế

TTXVN-Thứ tư, ngày 30/03/2016 16:46 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thành chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định: Sở hữu trí tuệ là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào thế giới, cơ hội và thách thức đặt ra cho Việt Nam rất lớn khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Sở hữu trí tuệ trong khoa học công nghệ là sở hữu công nghiệp gồm nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý và thương mại... Đây là những lĩnh vực tiên quyết bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam cũng như sản phẩm, thương hiệu Việt khi hội nhập.

Hoàn thiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đã trở thành lĩnh vực quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và với xu thế hội nhập thì lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập. Sở hữu trí tuệ chưa thực sự trở thành ngành kinh tế để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, từ đó đặt ra nhiệm vụ để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành động lực phát triển của doanh nghiệp, của nền kinh tế, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thành chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ trong giai đoạn tới.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để đến năm 2030, xây dựng được một hệ thống sở hữu trí tuệ với mục tiêu “Hành động kịp thời, thực thi hiệu quả, thúc đẩy sáng tạo, gia tăng giá trị”. Theo đó, h ệ thống sở hữu trí tuệ phải khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo đổi mới, phát triển công nghệ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học-công nghệ và kinh tế-xã hội của đất nước .

Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia ưu tiên tăng cường hoạt động sáng tạo, để hệ thống sở hữu trí tuệ trở thành hạt nhân thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong toàn xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ và kinh tế-xã hội của Việt Nam. Hiện Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu về hoạt động sáng tạo của ASEAN, Chỉ số sáng tạo toàn cầu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố tăng mạnh từ thứ 52/141 nước và nền kinh tế năm 2015, sẽ được cải thiện và dự kiến xếp hạng 35 vào năm 2020. Đông thời, thông qua sở hữu trí tuệ đưa tỉ lệ đóng góp của ngành công nghiệp bản quyền trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng lên.

Trong một cuộc tọa đàm mới diễn ra về xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia để đưa ra cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về định hướng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia Việt Nam giai đoạn tới, ông Ye Min Than, cán bộ Chương trình cao cấp Vụ Châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cũng nhấn mạnh: Sở hữu trí tuệ không phải là mục đích mà là một công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách công và các mục tiêu phát triển. Sở hữu trí tuệ có liên quan đến tất cả các quốc gia, cả quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển nhưng không có mô hình chung cho tất cả các quốc gia, vì vậy tùy theo sự phát triển và mục tiêu từng nước để xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia phù hợp, đặc biệt cần gắn chặt sở hữu trí tuệ với chính sách phát triển để đạt mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: Bộ Khoa học và Công nghệ có vai trò rất lớn để kết nối những nhà nghiên cứu, những nhà khoa học với nhà sản xuất, những doanh nghiệp; tạo điều kiện để các nhà khoa học được nghiên cứu tốt nhất, làm ra nhiều công nghệ tốt nhất; đồng thời là cầu nối để đưa công nghệ đến với doanh nghiệp. Khi Việt Nam có công nghệ riêng, sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng để bảo hộ công nghệ, tạo ra được hàng hóa có sức cạnh tranh để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thay vì dùng hàng ngoại.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước