ChatGPT được ra mắt vào tháng 11/2022 và nhanh chóng trở thành cơn sốt trên khắp thế giới. Chatbot này là ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử với 100 triệu người dùng sau hai tháng, thu hút khoảng 1,5 tỷ lượt truy cập mỗi tháng.
Tuy nhiên, từ tháng 5, sự tăng trưởng của ChatGPT đã bắt đầu chậm lại. Thời gian trung bình mỗi phiên người dùng trên website của ChatGPT cũng chỉ ở mức dưới 8 phút trong tháng 5, giảm 8,5% so với tháng 4.
Trong tháng 6, website của ChatGPT đã chứng kiến lượng truy cập giảm gần 10% so với tháng trước, theo công cụ Similarweb. Đây là lần đầu tiên biểu đồ này có xu hướng đi xuống kể từ khi ChatGPT ra mắt cách đây nửa năm. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy mức độ quan tâm của người dùng đối với các chatbot trí tuệ nhân tạo có thể đã đạt đến đỉnh điểm và đang giảm dần.
Biểu đồ lượng truy cập của ChatGPT và một số đối thủ.
ChatGPT vẫn là công cụ AI được ưa chuộng nhất hiện nay. Các đối thủ của ChatGPT nhưng Bing AI hay Google Bard cũng không có dấu hiệu khả quan hơn. Bing AI của Microsoft, được coi là đối thủ lớn của ChatGPT, cũng có số lượng truy cập và thời gian sử dụng liên tiếp giảm trong ba tháng gần nhất.
Theo Similarweb, nguyên nhân chính dẫn đến sự thoái trào này là do sự mới mẻ trong các cuộc trò chuyện với AI đã không còn thu hút người dùng. Chuyên gia cho rằng chatbot cần phải chứng tỏ được nhiều giá trị thực tế hơn chứ không phải chỉ dựa vào sự tò mò của người dùng.
Người dùng ngày càng có kỳ vọng cao hơn với AI. Họ muốn AI có khả năng cập nhật thông tin mới nhất và chính xác nhất. Tuy nhiên, các mô hình ngôn ngữ lớn trong AI hiện tại vẫn sử dụng dữ liệu từ nhiều năm trước và vẫn có thể tạo ra thông tin sai lệch.
Ngoài ra, sự sụt giảm truy cập đến website của ChatGPT còn có thể đến từ việc học sinh nghỉ hè, kéo theo giảm nhu cầu sử dụng AI để tìm kiếm lời giải bài tập. Một số người dùng cũng chuyển sang sử dụng ứng dụng ChatGPT trên iOS thay vì truy cập website.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, OpenAI không quá thất vọng về sự sụt giảm người dùng, bởi ChatGPT là sản phẩm miễn phí, mục đích để OpenAI có thể bán giải pháp công nghệ phía sau hoặc bán tài khoản trả phí. Lượng người dùng giảm giúp OpenAI có thể tiết kiệm chi phí, khi công cụ này ngốn khoảng 700 nghìn USD mỗi ngày để vận hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!