Trong những ngày gần đây, những cảnh báo về thiệt hại có thể đối với lĩnh vực này đã ngập tràn trên các báo chí Mỹ.
"Hãng Microsoft cảnh báo về những thiệt hại tài chính do COVID-19" là tựa đề bài viết trên tờ Thời báo New York tuần qua. Theo đó, công ty công nghệ khổng lồ này chịu tác động chính từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Thời báo New York cũng cho biết tuần trước hãng Apple cũng đã phải đưa ra dự báo cắt giảm doanh số bán ra do COVID-19 cũng vì nguyên nhân tương tự.
Theo các chuyên gia, tình trạng này xảy ra là do các công ty công nghệ lớn hàng đầu của Mỹ và thế giới này phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc. Tuy nhiên thì điều này sẽ có thể giảm bớt khi một số công ty đã bắt đầu chuyển hướng sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo tờ Nước Mỹ ngày nay, một loạt sự kiện lớn mà các công ty công nghệ thường tổ chức hàng năm đã phải hủy bỏ do COVID-19. Cụ thể là Google đã phải hủy Hội nghị các nhà lập trình thường niên dự kiến diễn ra tại bang California từ 12 - 14/5 do COVID-19. Khách tham dự sự kiện năm nay sẽ được hoàn trả mọi chi phí và sẽ được tham dự sự kiện này năm sau không qua bốc thăm.
Cũng theo tờ báo này, Facebook đã hủy Hội nghị thường niên F8 dự kiến diễn ra vào tháng 5, đồng thời cùng với Twitter rút khỏi Hội nghị The South by Southwest dự kiến sẽ diễn ra tại Austin, Texas vào ngày 13/3. Hội nghị các lập trình viên thường niên của Apple dự kiến diễn ra vào tháng 6 cũng đang đứng trước nguy cơ bị hủy do COVID-19.
Một loạt công ty công nghệ đã đề nghị nhân viên làm việc tại nhà thay vì đến công sở.
Tuy nhiên khó khăn của những gã khổng lồ công nghệ này có vẻ như là cơ hội cho những gã khổng lồ công nghệ khác. Theo tờ San Francisco Chronile, những lo ngại về dịch COVID-19 đã làm bùng nổ dịch vụ mua và giao hàng trực tuyến. Thay vì đi ra ngoài, nhiều người đã sử dụng các dịch vụ giao hàng như Postmates, Instacart hay Amazon để mua hàng hóa và DoorDash hay Uber Eats để mua đồ ăn.
Mặc dù vậy, cũng theo tờ báo này, sự bùng nổ các đơn đặt hàng lại là một bài toán nan giải cho các dịch vụ bán và giao hàng trực tuyến. Amazon đã thông báo khách hàng về khả năng giao hàng chậm hơn dự kiến. Còn Instarcart cũng cho biết không có đủ hàng để giao khi số lượng đơn đặt hàng quá nhiều. Có vẻ như trong bối cảnh hiện nay, cơ hội thì hiện hữu nhưng không phải dễ gì để nắm giữ được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!