Thương mại hoá 5G: Tăng tốc nhưng không chạy theo phong trào?

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 30/09/2024 17:23 GMT+7

VTV.vn - Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, không nên chạy theo phong trào phủ mạng 5G toàn quốc trong thời gian ngắn khi mà nguồn lực có hạn.

Thương mại hoá 5G, ngành nào được hưởng lợi?

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030, và Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.

Phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hoá mạng di động 5G... được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số tạo tiền đề phát triển kinh tế số.

Tại Hội thảo "Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam", chia sẻ về những bài học triển khai 5G trên thế giới, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Erisson Việt Nam cho biết Malaysia là một ví dụ điển hình về thành công với mạng 5G DNB. Với cam kết mạnh mẽ từ chính phủ trong việc khai thác 5G để nâng cao vị thế của Malaysia trong khu vực, quốc gia này đã đạt được mức độ phủ sóng 5G trên 80%, vượt kế hoạch một năm.

Hay như Ấn Độ đã triển khai mạng 5G với tốc độ nhanh nhất, đạt độ bao phủ 90% chỉ trong 21 tháng. Hiện nay, Ấn Độ có 198 triệu thuê bao 5G, với mức tiêu thụ dữ liệu cao nhất toàn cầu là 23 GB mỗi tháng trên mỗi thiết bị smartphone, đưa Ấn Độ từ vị trí 86 lên 16 trong bảng xếp hạng hiệu suất mạng toàn cầu.

Thương mại hoá 5G: Tăng tốc nhưng không chạy theo phong trào? - Ảnh 1.

Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Erisson Việt Nam

"Giống như Ấn Độ, Malaysia dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP từ 122 đến 150 tỷ RM vào năm 2030 nhờ vào việc hoàn thiện độ phủ sóng 5G. Rõ ràng, 5G đang mang lại lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia như Ấn Độ và Malaysia khi Chính phủ có những hỗ trợ mạnh mẽ", bà Rita nhấn mạnh.

Bà Rita Mokbel đánh giá, với Việt Nam, 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

"Đối với Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", đại diện Erisson cho biết.

Thương mại hoá 5G: Tăng tốc nhưng không chạy theo phong trào? - Ảnh 2.

Các các nhà mạng đang tích cực để có thể sớm thương mại hoá 5G tại Việt Nam

Thông tin về quá trình thương mại hoá mạng 5G tại Việt Nam, tại Hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết tháng 4/2004, Bộ đã đấu giá băng tần 2,6 GHz, 3,5 GHz và đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp và Viettel, VNPT và Mobifone. Các doanh nghiệp đã bỏ ra 12.600 tỷ để giành quyền khai thác mạng lưới.

Theo ông Thản, đây là những động thái thể hiện một quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào mạng 5G. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải cam kết triển khai mạng lưới với tối thiểu 3.000 trạm phát sóng sau năm 2026 và vào đầu năm 2024 đã phải triển khai tối thiểu 30% số trạm; tốc độ dịch vụ truy cập internet phải đạt trung bình 100 Mb/s.

"Hiện nay các nhà mạng đang khẩn trương lắp đặt thiết bị và triển khai tại một số tỉnh thành phố và nếu khách hàng nào tinh ý sẽ thấy ở một số nơi mạng 5G cũng đã cung cấp ở khu vực nhỏ. Các doanh nghiệp cũng phải ưu tiên phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp; khu công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu ứng dụng các đặc tính rất nổi trội của 5G đó là tốc độ cao và độ trễ thấp", ông Thản thông tin.

Không nên phủ sóng ồ ạt mạng 5G?

Cũng tại hội thảo, trả lời cho câu hỏi vì sao mạng 5G tại Việt Nam chưa được thương mại hoá và vẫn đang hạn chế ở mức độ thí điểm, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết mạng 4G chủ yếu tập trung chủ yếu vào người dân, hộ gia đình với các dịch vụ như truy cập Internet, thương mại điện tử... 

Trong khi mạng 5G hướng tới nhóm doanh nghiệp, nhà máy sản xuất thông minh… Đặc tính của 5G là giúp các thiết bị tự động sản xuất chính xác, thông minh… như trong các quá trình sử dụng AI để kiểm soát chất lượng sản phẩm, giám sát công việc, đo đạc trong các hầm mỏ…

Thương mại hoá 5G: Tăng tốc nhưng không chạy theo phong trào? - Ảnh 3.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Theo ông Trần Minh Tuấn, mạng 4G vẫn đang đáp ứng tốt cho các dịch vụ của người dân, hộ gia đình. Do đó việc phủ sóng rộng 5G cũng cần phải có lộ trình. Ngoài ra, để phủ rộng, doanh nghiệp viễn thông phải chi hàng tỷ USD để đầu tư, trong khi nhu cầu chưa phải gấp rút.

"Câu hỏi đặt ra là nên phủ toàn quốc hay chỉ phủ tại một số vùng có yêu cầu, đây là vấn đề doanh nghiệp cần giải quyết. Một số quốc gia như Na Uy, Phần Lan... đã thực hiện phủ sóng 5G đầu tiên tại nơi thực sự có nhu cầu để cung cấp dịch vụ từ đó lan toả ra các khu vực khác", ông Trần Minh Tuấn chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số nhấn mạnh việc triển khai 5G cần dựa trên nguồn lực, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp để làm sao cho hiệu quả cao nhất. "Không nên chạy theo phong trào phủ mạng 5G toàn quốc trong thời gian ngắn khi nguồn lực có hạn", ông Trần Minh Tuấn nêu quan điểm.

Thương mại hoá 5G: Tăng tốc nhưng không chạy theo phong trào? - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone

Về phía các nhà mạng, ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chia sẻ 3G và 4G, 5G cũng là hạ tầng số, nhưng 5G có các đặc điểm là tốc độ cao, băng thông rộng, độ trễ thấp, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng công nghệ tiên tiến để phát triển, tạo ra giải pháp cho chính mình. Tuy nhiên, phát triển 5G vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức.

Với doanh nghiệp viễn thông, triển khai 5G như thế nào và khai thác một cách hiệu quả là thách thức lớn. Ví dụ, với 2G, chỉ cần 20.000 trạm để phủ 100% diện tích Việt Nam; 3G cần 30.000 – 35.000 trạm; 4G cần khoảng 40.000 – 60.000 trạm là có thể phủ 100%, nhưng 5G cần vài trăm nghìn trạm, thậm chí hàng triệu trạm. Theo đó, để có mạng 5G phục vụ cho xã hội là thách thức rất lớn.

"Không phải dịch vụ nào cũng cần 5G, có những dịch vụ khách hàng chỉ cần mạng 4G. Chính vì làm thế nào để mạng 5G có hiệu quả cũng là câu chuyện rất quan trọng", ông Nguyễn Đình Tuấn nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước