Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, không ít bảo tàng đã thực hiện số hóa cho các vật phẩm văn hóa trưng bày. Tuy nhiên, để biến nguồn tài nguyên di sản này thành một nền công nghiệp văn hóa phát triển, việc số hóa đơn thuần là chưa đủ. Mỗi vật phẩm văn hóa cần được định danh số để có danh tính số duy nhất, từ đó không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn mở ra tiềm năng khai thác kinh tế số.
Ứng dụng triển lãm số tại các bảo tàng
Hiện tại, Việt Nam có gần 150 bảo tàng và phần lớn trong số đó đã ứng dụng công nghệ ở các mức độ khác nhau. Mức độ đơn giản là xây dựng trang web, số hóa một số hiện vật dưới dạng 2D hay 3D, cao hơn là ứng dụng đồng bộ trên nền tảng Android và iOS để khách tham quan có thể quét mã QR, tìm hiểu thông tin về các hiện vật. Số hóa đang giúp cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn với người xem.
Là một trong những bảo tàng đi đầu trong triển khai số hóa tại Việt Nam, từ năm 1997, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản lý. Trong những năm gần đây, bảo tàng đã chủ động đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu những giá trị tài liệu, hiện vật, cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, thu hút khách tham quan.
Hình ảnh trưng bày 3D Trống đồng Ngọc Lũ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Những trưng bày chuyên đề từng được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu dưới dạng số hóa gồm: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam, Linh vật Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng còn tiếp tục xây dựng hệ thống trưng bày ảo 3D với các chủ đề như: Việt Nam thời Tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần... Đặc biệt, công chúng còn được tương tác, nghe các chuyên gia, các nhà sử học giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày hay những câu chuyện thú vị về hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thông qua mục "Tương tác với nhà sử học".
Đối với nhiều khách tham quan, ấn tượng và thu hút nhất là hình thức bảo tàng trực tuyến 3D. Nhờ hệ thống này, mỗi ngày, Bảo tàng Hồ Chí Minh có khoảng hơn 2.000 lượt truy cập, xem tài liệu, hiện vật trực tuyến. Được biết, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng các ứng dụng tham quan thông minh trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, tích hợp nền tảng đa ngôn ngữ trên thiết bị audio để thuận phục vụ lợi cho khách tham quan nước ngoài.
Tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh dưới dạng 3D (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã gặt hái thành công với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là nền tảng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan bảo tàng thông qua thiết bị định vị iBeacon. Ứng dụng được tích hợp trên cả hai nền tảng Android và iOS, sử dụng công nghệ quét mã QR hoặc mã số định danh tác phẩm. Khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mọi lúc và mọi nơi, dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Khám phá không gian trưng bày và hiện vật tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dưới dạng 3D (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Nhiều bảo tàng, đơn vị quản lý di sản đã triển khai số hóa theo mô hình Digital Twin - bản sao kỹ thuật số mô phỏng chính xác bảo tàng trên không gian số, qua đó tập trung vào tham quan di tích, địa điểm ảo. Với sự bảo chứng từ các đơn vị chủ quản, triển lãm số cho các vật phẩm văn hóa có định danh tập trung vào di sản tạo nên sự uy tín để khách tham quan trên toàn cầu có thể sẵn lòng chi trả cho trải nghiệm các hiện vật văn hóa.
Phygital Labs và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã xây dựng nền tảng triển lãm số cho các cổ vật Cung đình Huế được định danh qua công nghệ Nomion và phát triển trên museehue.vn, tích hợp với các thiết bị hiện đại như kính thực tế tăng cường Apple Vision Pro và Meta Quest, giúp gia tăng giá trị cho cổ vật trên không gian số. Museehue.vn còn mở ra không gian triển lãm mới, hướng đến mục tiêu tham quan trực tuyến tương tác cao. Nền tảng này đã thu về gần 4.000 lượt trải nghiệm chỉ sau 10 ngày ra mắt.
Bán phiên bản quà lưu niệm có định danh, chứng thực
Ngoài việc tạo ra nguồn thu từ dịch vụ tham quan triển lãm số các vật phẩm có định danh, các bảo tàng còn có thể bán các phiên bản vật phẩm Replica (sao y nguyên bản) có chứng thực và người sở hữu các phiên bản đó tiếp tục giao dịch trên chợ số toàn cầu. Mô hình kinh tế số mới lạ này không chỉ mang lại tiềm năng khai thác cho các đơn vị quản lý và bảo tồn di sản văn hóa, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia.
Thực tế, khách du lịch có nhu cầu rất lớn trong việc sở hữu những món đồ Replica được chứng thực bởi đơn vị sở hữu của sản phẩm gốc, cho dù giá của những phiên bản đó có thể cao hơn rất nhiều so với những món đồ lưu niệm không có chứng thực tràn lan trên thị trường, đặc biệt là với những địa danh hoặc sản phẩm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật to lớn.
Tượng Nghê Văn Miếu gắn chip là một ví dụ điển hình của phiên bản văn hóa Replica. Đây là kết quả bước đầu của dự án "Tầm Chân" do Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET) và Phygital Labs thực hiện. Thông qua việc dùng điện thoại thông minh tương tác với chip RFID, người dùng có thể truy cập được toàn bộ thông tin về tượng Nghê đồng như: chủ sở hữu, lịch sử, nguồn gốc và đặc biệt là trải nghiệm sách vật lý số được chuyển đổi từ cuốn sách "Nghê nơi cửa Khổng sân Trình" của Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế.
Những phiên bản vật lý được định danh đồng thời còn có một phiên bản số (NFT) trên thế giới số. Vì được tái hiện từ hiện vật gốc có giá trị lịch sử nghệ thuật cao, cộng thêm tính độc bản hay giới hạn, có tiềm năng tăng giá trị theo thời gian, các phiên bản Replica được định danh và NFT có thể được rao bán trên chợ số với giá cao hơn, khiến cho giá trị của phiên bản tăng cao nhiều lần, từ đó góp phần gia tăng giá trị nền kinh tế số.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp các bảo tàng lưu giữ di sản tốt hơn, phục vụ công tác nghiên cứu mà còn đưa các hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!