Với mục tiêu khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và mang đến niềm vui cho người dùng, TikTok đang xây dựng một cộng đồng toàn cầu nơi bạn có thể sáng tạo, chia sẻ, khám phá thế giới và kết nối với mọi người một cách chân thật nhất.
Danh mục #DànhChoBạn là một trong những tính năng cho phép người dùng kết nối và khám phá. Đây chính là trải nghiệm cốt lõi của TikTok được cộng đồng thường xuyên sử dụng.
Khi người dùng sử dụng TikTok và truy cập vào mục #DànhChoBạn, các video được đề xuất theo sở thích cá nhân sẽ xuất hiện. Đây là cách giúp người dùng dễ dàng tìm thấy các nhà sáng tạo và những nội dung yêu thích của riêng mình. Danh mục này được cung cấp bởi hệ thống đề xuất nội dung cho riêng từng người dùng theo đúng sở thích của họ.
Điều đặc biệt là mục #DànhChoBạn không cố định. Những người dùng khác nhau có thể xem một số video nổi bật giống nhau nhưng các nội dung được đề xuất cho từng người là duy nhất và phù hợp với từng cá nhân cụ thể.
Khái niệm cơ bản của hệ thống đề xuất nội dung
Những hệ thống đề xuất nội dung luôn có mặt khắp mọi nơi, phát huy hiệu quả và chức năng trong rất nhiều dịch vụ mà chúng ta yêu thích và sử dụng mỗi ngày. Từ việc mua sắm, phát sóng đến công cụ tìm kiếm, hệ thống đề xuất được thiết kế để giúp người dùng có những trải nghiệm phù hợp với sở thích và mối quan tâm của mình.
Nhìn chung, hệ thống này sẽ đề xuất nội dung sau khi tìm hiểu thói quen của người dùng thông qua sự tương tác của chính người đó trên nền tảng, chẳng hạn như viết một bình luận hay nhấn nút theo dõi một tài khoản. Những tín hiệu này giúp hệ thống đề xuất đánh giá được nội dung người dùng yêu thích hay muốn bỏ qua.
Những yếu tố nào tạo nên danh mục #DànhChoBạn?
Trên nền tảng TikTok, mục #DànhChoBạn thể hiện được tính cá nhân hoá người dùng. Hệ thống sẽ đề xuất nội dung bằng việc đánh giá các video dựa trên một tổ hợp các yếu tố, bắt đầu từ những sở thích mà mọi người thể hiện với tư cách là một người dùng mới cũng như điều chỉnh những nội dung mà họ không hứng thú để hình thành nội dung được cá nhân hoá trên mục #DànhChoBạn.
Việc đề xuất nội dung dựa trên một số yếu tố, bao gồm:
- Sự tương tác của người dùng: là những video họ thích hay chia sẻ, những tài khoản họ theo dõi, những bình luận và nội dung họ tạo ra.
- Thông tin về video: cụ thể là phần nội dung miêu tả video, âm thanh, và hashtags.
- Cài đặt tài khoản và thiết bị: giống như cài đặt ngôn ngữ, quốc gia và loại thiết bị. Những yếu tố này góp phần đảm bảo tối ưu hoá hiệu suất của hệ thống. Tuy nhiên, các yếu tố này nhận được mức đề xuất thấp hơn vì người dùng không chủ động thể hiện sở thích của mình thông qua những yếu tố này.
Tất cả các yếu tố đều được xử lý bởi hệ thống đề xuất của TikTok và được tính toán dựa trên giá trị của TikTok đối với người dùng. Với từng mức độ quan tâm nhất định của người dùng, chẳng hạn như thời lượng xem dài hay ngắn, người dùng sẽ nhận được các đề xuất có độ phù hợp nhiều hay ít tương ứng, bất kể người trải nghiệm hay người đăng tải video có cùng một quốc gia hay không. Sau đó, video được sắp xếp theo thứ tự để xác định mức độ quan tâm đến từng nội dung của người dùng, sau đó sẽ được mang tới từng đề xuất riêng biệt trong danh mục #DànhChoBạn.
Mặc dù video có thể nhận được nhiều lượt xem hơn nếu được đăng tải bởi một tài khoản có nhiều người theo dõi, hoặc video đã đạt được hiệu suất cao trước đó, những điều này không phải là yếu tố trực tiếp tác động đến hệ thống đề xuất.
Quản lý mục cá nhân hoá #DànhChoBạn
Làm sao một người dùng có thể biết được mình thích gì trên TikTok trong khi họ chỉ mới bắt đầu sử dụng?
Để bắt đầu, TikTok sẽ mời người dùng mới lựa chọn các chủ đề họ yêu thích, chẳng hạn như thú cưng hay du lịch, nhằm tạo ra những đề xuất tương ứng với sở thích của họ. Việc này cho phép nền tảng phát triển tính năng #DànhChoBạn và sẽ dần hoàn thiện những đề xuất dựa trên tương tác của người dùng.
Đối với những người dùng không lựa chọn chủ đề yêu thích, TikTok sẽ bắt đầu bằng việc cung cấp những video phổ biến, mang tính khái quát để tạo cho người dùng mới cho một sự khởi đầu. Những lượt thích, bình luận, và phát lại video sẽ gợi ý các đề xuất đầu tiên khi hệ thống hiểu được những nội dung mà người đó quan tâm.
Tìm hiểu thêm về những gì người dùng cảm thấy hứng thú
Mỗi tương tác mới giúp hệ thống hiểu hơn về sở thích của người dùng và gợi ý các nội dung phù hợp, vì vậy, cách tốt nhất để quản lý danh mục #DànhChoBạn là sử dụng bình thường và tận hưởng nội dung. Theo thời gian, danh mục #DànhChoBạn sẽ ngày càng có khả năng đưa ra các đề xuất phù hợp với sở thích của các người dùng hơn.
Danh mục #DànhChoBạn không chỉ được định hình bởi sự tham gia của người dùng trên TikTok. Khi người dùng quyết định theo dõi những tài khoản mới, các hashtag, âm thanh, hiệu ứng, và các chủ đề thịnh hành trên danh mục Khám phá… cũng góp phần tăng thêm các đề xuất phù hợp. Đây là cách để đáp ứng chất lượng trải nghiệm và gợi ý các loại nội dung mới cho danh mục #DànhChoBạn của người dùng.
Hạn chế những nội dung mà người dùng không quan tâm
Nền tảng TikTok là ngôi nhà của những nhà sáng tạo nội dung với sở thích và quan điểm đa dạng. Đôi khi người dùng có thể bắt gặp những video không hợp với sở thích của mình. Cũng giống như việc có thể nhấn giữ để thêm một video vào mục yêu thích, người sử dụng TikTok chỉ cần nhấn giữ và chọn "Không hứng thú" để chỉ ra sự không quan tâm đến một video cụ thể nào đó. Người sử dụng TikTok cũng có thể chọn ẩn video từ một nhà sáng tạo nội dung nhất định, hay video được tạo ra bởi một âm thanh cụ thể, và cả việc báo cáo một video không phù hợp với nguyên tắc cộng đồng của TikTok. Tất cả những hành động này đều đóng góp cho các đề xuất video tương lai trong mục #DànhChoBạn.
Cải thiện thách thức của công cụ đề xuất
Một trong những thách thức vốn có của các công cụ đề xuất là các hạn chế trong trải nghiệm của người sử dụng, còn được xem là "bong bóng lọc" bằng cách tối ưu hoá quá trình cá nhân hóa và mức độ phù hợp nâng cao khả năng hiển thị các nội dung tương tự nhau. Đây chính là mối quan tâm mà TikTok chú trọng khi duy trì hệ thống đề xuất.
Hạn chế các nội dung lặp lại
Để giữ cho mục #DànhChoBạn luôn đa dạng và thú vị, hệ thống đề xuất của TikTok cho phép người dùng khám phá các loại nội dung khác ngoài những nội dung họ đã thích trước đó.
Ví dụ, danh mục #DànhChoBạn sẽ không hiển thị hai video liên tiếp được tạo bằng cùng một âm thanh hay bởi một nhà sáng tạo nội dung. TikTok cũng không đề xuất những nội dung trùng lặp mà người dùng đã thấy trước đó hoặc bất kỳ nội dung nào được xem là spam. Tuy nhiên, người dùng cũng có thể được đề xuất các video đã được đón nhận bởi những người có cùng sở thích.
Đa dạng hoá các đề xuất
Sự đa dạng là điều cần thiết để duy trì một cộng đồng toàn cầu lớn mạnh và kết nối các mạng lưới của TikTok lại gần nhau hơn. Đôi khi, người dùng có thể bắt gặp các video không phù hợp với sở thích nằm trong danh mục của mình, hoặc video có một số lượng lớn lượt yêu thích. Đây là yếu tố quan trọng và có mục đích trong cách tiếp cận của TikTok đối với đề xuất. Việc mang đến sự đa dạng trong nội dung video cho danh mục #DànhChoBạn góp phần tạo ra các cơ hội mới để người dùng có thể khám phá các loại hình mới, tìm kiếm các nhà sáng tạo mới, và trải nghiệm các khía cạnh hay ý tưởng mới trong quá trình thưởng thức nội dung.
Bằng việc gợi ý các video khác nhau từ thời điểm này đến thời điểm khác, hệ thống có thể phán đoán tốt hơn về xu hướng được người dùng ưa chuộng nhằm cung cấp cho những người dùng TikTok khác một trải nghiệm tuyệt vời. Mục tiêu của TikTok là tìm kiếm sự cân bằng giữa việc gợi ý nội dung phù hợp, đồng thời hỗ trợ người dùng khám phá nền tảng và các nhà sáng tạo mới nhằm khuyến khích các trải nghiệm mà họ có thể không nhìn thấy.
Đảm bảo an toàn cho trải nghiệm
Hệ thống đề xuất của TikTok còn được thiết kế đảm bảo nội dung an toàn cho người xem. Chẳng hạn, những nội dung sau khi được kiểm duyệt có chứa những hình ảnh thủ thuật y khoa hay sự tiêu thụ hợp pháp hàng hoá được quy định, có thể sẽ gây tranh cãi khi hiển thị trong mục video đề xuất vì người xem không lựa chọn các nội dung đó. Tương tự như vậy, những video vừa được đăng tải hay chưa được kiểm duyệt nội dung, hay dạng "thư rác" như các video tạo ra tương tác ảo, cũng có thể không đủ điều kiện để được đề xuất trong mục #DànhChoBạn.
Cải tiến danh mục #DànhChoBạn
Phát triển và duy trì hệ thống đề xuất nội dung của TikTok là một quá trình không ngừng nghỉ trong việc tinh chỉnh độ chính xác, điều chỉnh các mô hình và đánh giá lại các yếu tố đóng góp cho việc đề xuất dựa trên ý kiến phản hồi từ người dùng và từ việc nghiên cứu.
Công việc này đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều nhóm, bao gồm nhóm phụ trách sản phẩm, an toàn và bảo mật, giúp cải thiện mức độ liên quan của hệ thống đề xuất và tính chính xác của phương thức này trong việc đề xuất nội dung và danh mục mà bạn có thể hứng thú hơn.
Cuối cùng, danh mục #DànhChoBạn được cung cấp bởi phản hồi của chính người dùng. Hệ thống được thiết kế để liên tục cải thiện, bổ sung và phát triển từ sự tương tác của chính người dùng với nền tảng TikTok, nhằm đưa ra các đề xuất được cá nhân hóa mà TikTok hy vọng sẽ khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và mang lại niềm vui cho người sử dụng mỗi lần làm mới danh mục #DànhChoBạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!