Đây là lần đầu tiên Hội thảo chuyên đề này được tổ chức tại Việt Nam.
Sau khi thảo luận tình hình ứng dụng Blockchain trong nhiều lĩnh vực có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam như logistics và hoàn tất đơn hàng, truy xuất nguồn gốc nông sản, Vietnam Blockchain Summit (VBS) 2018 sẽ trao đổi các vấn đề xây dựng chính sách và pháp luật.
Việt Nam đang đứng ở đâu và sẽ đứng ở thứ hạng nào trên thế giới trong việc ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain vào hoạt động kinh tế? Từ thực tiễn phát triển Internet có thể thấy thời gian để công nghệ này thâm nhập vào kinh tế xã hội khá dài và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước có ý nghĩa to lớn. Các cơ quan xây dựng chính sách và phát luật đã có sự chuẩn bị như thế nào để khai thác lợi thế của blockchain? Cần có sự phối hợp ra sao giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ, đầu tư, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế…?
Nhiều nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, giảng dạy và kinh doanh hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn chất lượng, logistics, truy xuất nguồn gốc… sẽ tham gia trình bày và thảo luận tại diễn đàn này.
Cùng với các công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), robot và Internet vạn vật (IoT), công nghệ blockchain sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Blockchain tạo ra công nghệ nền tảng tương tự như công nghệ TCP/IP đối với sự phát triển của Internet.
Một ứng dụng nổi bật của blockchain là tiền mã hóa (cryptocurrency) đã được nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp và truyền thông quan tâm cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, blockchain có rất nhiều ứng dụng đặc sắc khác. Chẳng hạn, blockchain có thể giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực Việt Nam còn non yếu như dịch vụ logistics hay truy xuất nguồn gốc. Blockchain cũng hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai chính phủ điện tử.
Theo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WWF), nhiều chuyên gia hàng đầu dự đoán tới năm 2025 có tới 10% GDP toàn cầu được lưu giữ nhờ công nghệ blockchain. Cũng vào năm đó sẽ có những chính phủ thu thuế thông qua công nghệ này.
Mặc dù ngày 04 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg "Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" nhưng tới nay hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.