Một lần nữa làn sóng COVID-19 lại tấn công nước Mỹ khi số ca nhiễm mới đã lên tới 280.000 người/ngày. Số ca nhiễm cao khiến nhiều người hoang mang. Tuy nhiên, nhiều người thay vì chọn tiêm vaccine, lại tự mua thuốc để điều trị. Thay vì đọc báo, xem kênh truyền hình có uy tín, họ chọn đọc và tin theo tin giả trên mạng xã hội.
Thời báo New York cho biết, những tuần qua nhu cầu về thuốc trị ký sinh trùng tăng đột biến. Trung bình mỗi tuần có tới 88.000 đơn thuốc. Các cửa hàng thuốc đều cháy loại thuốc vốn dùng cho ngựa. Thông thường, loại thuốc này chỉ được dùng cho người với liều lượng cực nhỏ để trị chấy, ghẻ lở và các bệnh liên quan tới ký sinh trùng, nhưng nhiều người đã săn tìm thuốc từ các trung tâm nuôi thú.
Nhiều người tin rằng thuốc trị ký sinh trùng sẽ trị được COVID-19. Hậu quả là tuần vừa qua, Trung tâm Kiểm soát Ngộ độc trên toàn nước Mỹ đã phải tiếp nhận vô vàn cuộc gọi về ngộ độc loại thuốc này. Tai hại là các nạn nhân đều mua thuốc loại dành cho động vật ở dạng nước hoặc bôi, chứ không phải cho người ở dạng viên.
Nhiều người Mỹ tin rằng thuốc trị ký sinh trùng sẽ trị được COVID-19. (Ảnh: WSLS)
Cơ quan Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) phải cảnh báo rằng: "Bạn không phải là ngựa, cũng không phải bò. Nghiêm túc đấy, hãy dừng lại!".
Deworming drug dùng cho người là một loại thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn và kháng virus, tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy nó trị được virus Corona. Thế nhưng nguy hiểm hơn, không ít người Mỹ tin vào những gì được lan truyền trên mạng xã hội, họ đã tự đi mua và uống chỉ để cho… đỡ sợ.
Việc này xảy ra ở các bang có tỷ lệ tiêm vaccine thấp như Mississippi (37%) khi liên tục có các cuộc gọi báo ngộ độc thuốc này. Sở Y tế của bang đã phải ra thông báo: "Thuốc dành cho động vật được cô đặc liều lượng cho cơ thể to lớn của động vật và có thể gây độc cao đối với người".
Theo CNN, chính những người có tư tưởng bài vaccine đã đẩy truyền thông về loại thuốc này lên cao. Họ coi đó là cách để chống lại các chuyên gia y tế đang ủng hộ vaccine.
Bloomberg cho rằng đó là trách nhiệm của mạng xã hội. Kể từ khi dịch bùng phát, mạng xã hội không còn lành mạnh. Từ các bài thuốc trị COVID-19 tự phát tới các thuyết âm mưu và câu, từ chống lại vaccine đã lan truyền liên tục trên Facebook, YouTube, Instagram hay TikTok. Theo bài báo, các trang mạng xã hội cần dừng ngay cơ chế kích cầu giả tạo, bởi các thuật toán hiện nay của các trang này cho phép thông tin giả có thể lan truyền nhanh chóng, nhất là khi có lượng tương tác cao.
Theo tờ Bưu điện Washington, một người viết tin giả có lượng tương tác cao trên Facebook có thể kiếm tới 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) một tháng, ít cũng khoảng 5.000 USD. Số tiền đó lại do chính các công ty quảng cáo do Facebook hay Google sở hữu, chi trả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!