Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19

Huệ Anh-Thứ tư, ngày 11/08/2021 06:00 GMT+7

Mỹ quyết định chi ra 3,2 tỷ USD nhằm phục vụ cho các nghiên cứu thuốc kháng COVID-19 dạng viên (Nguồn: The New York Times)

VTV.vn - Thuốc điều trị COVID-19 được nhận định là sự bổ sung quan trọng giúp hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện.

Trong bối cảnh các quốc gia vẫn đang không ngừng nghiên cứu và phát triển nhiều loại vaccine mới có khả năng ngăn chặn các biến thể nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2, thuốc điều trị COVID-19 được nhận định là sự bổ sung quan trọng giúp hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện. Một số thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đang được giới chức các nước thực hiện, trong nỗ lực đánh giá và tìm ra loại thuốc đặc trị tiềm năng, ngay cả khi hầu hết mọi người dân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Vì sao thuốc điều trị COVID-19 lại quan trọng?

Tiêm chủng và đạt miễn dịch cộng đồng đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới của biến thể virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, các phương pháp điều trị COVID-19 vẫn cần thiết đối với những bệnh nhân nhiễm bệnh - những người không đủ điều kiện tiêm hoặc không muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Tiêm chủng và đạt miễn dịch cộng đồng đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia nhằm chống lại làn sóng dịch COVID-19 mới (Nguồn: Reuters)

Theo Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), "Thuốc điều trị COVID-19 vô cùng quan trọng vì vaccine khó có thể cho hiệu quả phòng bệnh 100%. Một số người sẽ từ chối tiêm vaccine, trong khi người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng tái nhiễm. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ tìm ra nhiều sự lựa chọn tốt hơn, hữu hiệu hơn để điều trị cho họ".

Các chuyên gia y tế cũng cho biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, rất nhiều những tiến bộ trong nghiên cứu thuốc đặc trị được ghi nhận. Theo Giáo sư Hsu Li Yang thuộc Đại học Quốc gia Singapore NUS, những thành tựu này có được là nhờ các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn được thực hiện trước đó, chẳng hạn như Recovery (Thử nghiệm Phục hồi) của Vương quốc Anh hay Solidarity (Thử nghiệm Thống nhất) của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Những thử nghiệm trên đã đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ giới chuyên gia nhanh chóng phát hiện và loại bỏ các loại thuốc điều trị được cho là kém hiệu quả.

Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 2.

Các phương pháp điều trị COVID-19 vẫn là cần thiết đối với những bệnh nhân không đủ điều kiện tiêm hoặc không muốn tiêm vaccine ngừa COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Hiện các liệu pháp điều trị COVID-19 được chia làm 2 loại: liệu pháp nhằm vào virus (bao gồm thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng) và những liệu pháp điều trị phản ứng viêm của cơ thể. Trong đó, Corticosteroid, một loại thuốc chống viêm, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa các bệnh nhân COVID-19 tử vong và trở bệnh nặng. Các loại thuốc kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như Sotromivab, cũng là một trong những phương pháp điều trị hữu hiệu cho các trường hợp bệnh nhẹ nhưng có nguy cơ phát triển triệu chứng nghiêm trọng.

Hiện một số loại thuốc điều trị COVID-19 đã được các tổ chức y tế cấp phép, bao gồm Remdesivir giúp hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 từ 12 tuổi trở lên và nặng tối thiểu 40 kg. Thuốc trị viêm khớp Actemra phát triển bởi hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara thuộc hãng dược Sanofi (Pháp) cũng được Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19 thể nặng.

Một số loại thuốc điều trị COVID-19 tiềm năng

Mỹ hiện tại đang là quốc gia đi đầu trong công cuộc thử nghiệm thuốc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Nước này đã quyết định chi ra 3,2 tỷ USD nhằm phục vụ cho các nghiên cứu thuốc kháng COVID-19 dạng viên. Theo Bác sỹ John Whyte, Giám đốc văn phòng y tế Webmd, Mỹ, loại thuốc này cũng giống như thuốc Tamiflu vốn được dùng để trị cảm cúm. "Tuy nhiên một số nghiên cứu vẫn cần được thực hiện để đảm bảo rằng nó thực sự hiệu quả" – ông cho biết. Nếu thành công, loại thuốc này sẽ được ra mắt vào cuối năm nay.

Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 3.

Mỹ quyết định chi ra 3,2 tỷ USD nhằm phục vụ cho các nghiên cứu thuốc kháng COVID-19 dạng viên (Nguồn: The New York Times)

Một loại thuốc kháng virus có tên Lambda, vốn được dùng để điều trị cho các bệnh nhân viêm gan D, cũng đang trong quá trình thử nghiệm điều trị cho những người mắc COVID-19. Theo Giáo sư Jeffrey Glenn, thuốc Lambda này sẽ giúp đảo ngược tình trạng kháng protein của virus SARS-CoV-2, theo đó mang nhiều ưu điểm hơn so với các loại thuốc điều trị COVID-19 hiện đang được sử dụng. "Lambda được dùng khi cơ thể bạn đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Khi đó, việc tiêm vaccine là quá muộn bởi vaccine cần thời gian dài để củng cố hệ miễn dịch. Trong khi đó, thuốc Lambda lại có tác dụng ngay lập tức" – ông Jeffrey Glenn nhấn mạnh.

Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) và công ty Ridgeback Biotherapeutics (Đức) tuần trước cũng thông báo, thuốc uống Molnupiravir chuyên điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân từ thể nhẹ đến trung bình đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 với rất nhiều kết quả khả quan.

Trước đó, nhiều thử nghiệm cũng được Đại học Oxford thực hiện trên hơn 12.000 bệnh nhân để nghiên cứu mức độ hiệu quả của thuốc đặc trị. Một số thuốc đã được chứng minh là không hiệu quả, chẳng hạn như thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine trước đó vốn được cho là phương pháp điều trị tiềm năng cho các bệnh nhân COVID-19.

Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 4.

Hãng dược phẩm Merck (Mỹ) nghiên cứu thuốc uống Molnupiravir chuyên điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân từ thể nhẹ đến trung bình (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, cũng có một vài cái tên được chứng minh là hiệu quả trong công tác điều trị COVID-19, ví dụ như Steroid dexamethasone giá rẻ hay thuốc trị viêm khớp Tocilizumab – những loại dược phẩm cứu sống rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 tại Anh khi nước này trải qua đợt bùng phát dịch mới hồi đầu năm nay.

Israel cũng đang tiến hành thử nghiệm thuốc dạng hít EXO-CD24 do Trung tâm Y tế Ichilov phát triển nhằm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Kết quả nghiên cứu cho thấy không một bệnh nhân thể nặng nào tử vong hoặc phải đặt nội khí quản sau khi sử dụng loại thuốc dạng hít trên.

Các nước châu Á cũng đang tăng tốc quá trình nghiên cứu thuốc đặc trị COVID-19, đặc biệt là Hàn Quốc. Hãng dược Celltrion của nước này vừa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tích cực đối với loại thuốc điều trị COVID-19 có tên Rekirona do chính tập đoàn này bào chế.

Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 5.

Bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc dạng hít EXO-CD24 do Trung tâm Y tế Ichilov phát triển không phải đặt nội khí quản (Nguồn: Reuters)

Hồi tháng 7, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore cũng cấp phép tạm thời cho thuốc kháng thể Sotrovimab được phát triển bởi công ty dược phẩm GlaxoSmithKline và công ty miễn dịch học Vir Biotechnology. Loại thuốc này được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 từ 18 tuổi trở lên ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Nhóm bệnh nhân này không cần sử dụng máy thở nhưng có nguy cơ bệnh trở nặng rất cao. Theo Bộ Y tế nước này, thuốc Sotrovimab có thể sẽ chính thức được ra mắt vào tháng 9 tới. Thuốc dựa trên các kháng thể đơn dòng, là các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm với khả năng "sao chép" hệ miễn dịch của cơ thể, từ đó ngăn chặn các kháng nguyên có hại như virus.

Phác đồ thuốc điều trị COVID-19 của Singapore

Trung tâm Quốc gia Singapore về Bệnh Truyền nhiễm (NCID) trước đó đã cung cấp phác đồ điều trị bằng thuốc cho toàn bộ các bệnh viện tại nước này để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Theo Tiến sĩ Shawn Vasoo thuộc NCID, bước đầu, các bệnh nhân này sẽ được kiểm tra và đánh giá khả năng trở bệnh nặng với các triệu chứng nghiêm trọng.

Bốn mức đánh giá tình trạng bệnh bao gồm: Không triệu chứng (không cần điều trị); Nhẹ (đường hô hấp có dấu hiệu nhiễm trùng, không có dấu hiệu viêm phổi); Trung bình (viêm phổi nhưng không cần đến các biện pháp hỗ trợ oxy); Nặng (viêm phổi, cần đến các biện pháp hỗ trợ oxy, thậm chí là phòng chăm sóc tích cực).

Cuộc chạy đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 6.

Remdesivir đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản phê chuẩn để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 (Nguồn: Reuters)

Tiến sĩ Vasoo cho biết, đối với những bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh trở nặng, thuốc kháng virus Remdesivir có thể hỗ trợ và đẩy nhanh khả năng phục hồi. Các trường hợp đang trong giai đoạn đầu của bệnh cũng có thể dùng Remdesivir. Loại thuốc này cho tới nay đã được nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản phê chuẩn để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.

Đối với các bệnh nhân COVID-19 thể nặng, thuốc Dexamethasone sẽ được đưa vào phác đồ điều trị. Các loại thuốc chống viêm khác, chẳng hạn như Tocilizumab và Baricitinib (được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp) cũng được sử dụng cùng với Dexamethasone để hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Các loại thuốc mà NCID không khuyến nghị điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 bao gồm thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine, thuốc điều trị HIV Lopinavir-ritonavir và thuốc chống ký sinh trùng Ivermectin.

Tự ý mua thuốc điều trị COVID-19: Coi chừng 'Tiền mất, tật mang' Tự ý mua thuốc điều trị COVID-19: Coi chừng "Tiền mất, tật mang"

VTV.vn - Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc tự ý mua và sử dụng thuốc để điều trị COVID-19 không những không giúp cải thiện sức khỏe mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước